Chủ tịch nước chủ trì phiên họp cấp cao Hội đồng Bảo an

(NLĐO)- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 19-4 tới trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Ngày 19-4, tại Hà Nội, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) tháng 4-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên thảo luận mở Cấp cao về chủ đề "Tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa, giải quyết xung đột" theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp cấp cao Hội đồng Bảo an - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Phúc trong thông điệp quan trọng gửi tới Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 75 ngày 21-9-2020 trên cương vị Thủ tướng Chính phủ

Trong tháng 4-2021, Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Trong tháng, HĐBA dự kiến sẽ có 15 cuộc họp công khai, 10 cuộc họp kín thảo luận về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế như tình hình Trung Đông, Syria, Libya, Yemen, Sudan, Nam Sudan, Mali, khu vực Hồ Lớn, Tây Sahara, Colombia và Kosovo. Các cơ quan trực thuộc HĐBA cũng sẽ có nhiều cuộc họp trong tháng.

HĐBA LHQ cũng đã thông qua 4 hoạt động thảo luận mở do Việt Nam chủ trì thúc đẩy về các nội dung khắc phục hậu quả bom mìn vào ngày 8-4, bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang ngày 14-4, hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực ngày 19-4 và bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày 27-4.

Trước đó, ngày 8-4, trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4-2021, Việt Nam tổ chức Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA về chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn", dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

Nhân dịp này, HĐBA đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của HĐBA do Việt Nam đề xuất đề cập riêng vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Văn kiện có ý nghĩa quan trọng, nhấn mạnh mối liên hệ giữa khắc phục hậu quả bom mìn với duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, khẳng định cam kết của HĐBA và đề cao sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn. Tuyên bố cũng đề cập các nội dung mới quan trọng như tác động tiêu cực nhiều mặt của đại dịch Covid-19, khuyến khích tăng cường hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng, xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về khắc phục hậu quả bom mìn trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ và tính tới các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em trong triển khai các nhiệm vụ liên quan.