Công an nhân dân: Những hy sinh thầm lặng
Đằng sau những chiến công vang dội mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân là những hy sinh thầm lặng không thể cân đo đong đếm của các chiến sĩ công an
Chỉ cách đây vài ngày, cơ quan CSĐT Công an TP HCM kết thúc điều tra chuyên án 516E, đề nghị truy tố Văn Kính Dương (38 tuổi; ngụ TP Hà Nội), cùng 9 đồng phạm về tội "Sản xuất, mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy". Trước đó, khi chuyên án 516E kết thúc và Công an TP HCM công bố thông tin đã tóm gọn ông trùm ma túy này cùng đồng phạm, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP, đã xúc động kể lại hành trình phá án đầy gian nan, vất vả có cả mồ hôi, nước mắt và máu rơi.
Chiến công vang dội
Từng nhiều lần đi tù, trốn khỏi nơi giam giữ nên ông trùm Văn Kính Dương rất ma mãnh, xảo quyệt. Khi các trinh sát phát hiện "công xưởng" sản xuất ma túy của Dương ở một biệt thự tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP HCM) cũng là lúc Dương cùng đồng bọn "đánh hơi" được nên chuyển sang một biệt thự khác. Không chỉ vậy, bọn chúng còn mở rộng nhiều tụ điểm sản xuất ma túy ở nhiều tỉnh, thành khác với các cơ sở đặt ở những địa điểm hẻo lánh, có chó canh giữ, camera giám sát rất nghiêm ngặt.
Nhận định đây là một đường dây ma túy lớn, đối tượng cực kỳ nguy hiểm nên Thiếu tướng Phan Anh Minh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tham gia phải dày công đeo bám, phải hy sinh thời gian, công sức để đánh án. Trong đó có trung úy Lê Hoàng Hảo (Đội CSĐT Tội phạm về ma túy, Công an quận Bình Thạnh). Đằng sau gương mặt điển trai cùng nụ cười hiền, trung úy Hảo là một trinh sát đánh án thiện nghệ, quyết tâm chống tội phạm đến cùng.
Cuối tháng 2-2017, khi chuyên án đi vào giai đoạn nước rút, trung úy Lê Hoàng Hảo và đồng đội được phân công đeo bám 24/24 giờ để tìm chứng cứ buộc tội. Khi các trinh sát đeo bám theo các đàn em của Văn Kính Dương, bọn này luôn ma mãnh cắt đuôi để tránh bị theo dõi. Những vỏ chai hóa chất dùng sản xuất ma túy chúng cho xe tải chở xuống Đồng Tháp để phi tang. Trung úy Lê Hoàng Hảo và đồng đội phải đi xuyên đêm, vượt qua nhiều trở ngại để bám theo xe, thu thập chứng cứ.
Khi phát hiện xe chở các vỏ chai hóa chất lưu thông trên cao tốc TP HCM - Trung Lương hướng về miền Tây, Hảo và các đồng đội chia nhau đón đầu ở các tuyến đường thuộc Bến Lức, Tân An (tỉnh Long An) và Tiền Giang. Đến nửa đêm hôm sau, khi vào địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp), nhóm tội phạm lao xe vun vút trong màn đêm để tìm cách phi tang vỏ chai xuống mé sông. Khi bám theo xe tải, trung úy Hảo để xe va phải dải phân cách đường dẫn đến gãy chân, máu chảy lênh láng. Thế nhưng, anh vẫn cố gắng bám theo con đường bọn tội phạm đã đi. Sau khi thu thập đầy đủ bằng chứng, anh gọi điện nhờ đồng đội trợ giúp đưa vào bệnh viện. Anh giấu gia đình, giấu người mẹ bị bệnh tim về việc mình bị tai nạn.
"Khi chuẩn bị hồ sơ báo án, anh Hảo hay tin mẹ phát bệnh nhưng anh chỉ về thăm mẹ một lần. Dù đau thắt lòng nhưng anh đã gạt chuyện gia đình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để không ảnh hưởng đến hành trình phá án của ban chuyên án" - Thiếu tướng Minh xúc động.
Trung úy Lê Hoàng Hảo kể lại hành trình phá án, bắt trùm ma túy Văn Kính Dương
Ấm lòng trên đường hoàn lương
Trên con đường hoàn lương, những người chấp hành xong án phạt tù đã không bị bỏ rơi vì bên cạnh họ có lực lượng công an nhân dân dìu dắt, chở che và giúp đỡ sau những năm tháng lầm lỡ.
Trung bình mỗi năm, TP HCM tiếp nhận hơn 3.400 người mãn hạn tù. Con đường hoàn lương của nhiều người chông chênh, vô định. Trước tình hình này, Công an TP HCM đã triển khai nhiều mô hình để quản lý, cảm hóa, giáo dục người mãn hạn tù. Tiêu biểu là mô hình "Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư". Ban đầu mô hình này được hình thành ở quận 10 để giúp đỡ người lầm lỗi gồm người mãn hạn tù, người sau cai nghiện, mại dâm. Sau đó, mô hình được nhân rộng ở 24 quận, huyện.
Nhiều người trước đây có nhiều tiền án, tiền sự thường xuyên vi phạm pháp luật nhưng sau khi được sự dìu dắt của lực lượng công an địa phương đã tu chí làm ăn, tích cực tham gia các hoạt động có ích cho cộng đồng. Ngành công an đã phối hợp với các đoàn thể, tổ chức nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, những khó khăn của người mãn hạn tù để động viên, giúp đỡ họ đi qua những ngày gian nan trên con đường hoàn lương. Mô hình này và nhiều mô hình khác đã giúp hàng ngàn người hoàn lương có công ăn việc làm ổn định, vượt qua mặc cảm để làm lại cuộc đời, giúp ích cho xã hội.
Khi kể về con đường hoàn lương, anh Lê Thừa Hùng (Hùng "sầu"), một giang hồ khét tiếng từng vào tù ra tội, đã cảm ơn chính quyền địa phương, lực lượng công an nhân dân giúp đỡ, dìu dắt anh rũ bỏ quá khứ, tu chí làm ăn.
Sinh ra trong một gia đình không đầm ấm, từ nhỏ Hùng phải sống chung với cha kế, không được đi học và thường xuyên no đòn. Hùng bỏ nhà đi bụi đời, không biết chữ và mưu sinh bằng nhiều nghề. Năm 1986, Hùng gia nhập băng nhóm bảo kê nhà hàng tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Từ năm 1992 đến 1997, anh 3 lần đi tù về tội cố ý gây thương tích.
Lần cuối cùng, sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ về quá khứ lỗi lầm, Hùng quyết chí làm lại cuộc đời. Ngày mãn hạn tù, vừa trở về anh tiếp tục bị rủ rê nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh rũ bỏ tất cả, rồi đón xe vào TP HCM lập nghiệp. Được sự giúp đỡ của công an, chính quyền địa phương, anh đã học nghề điêu khắc gỗ ở huyện Hóc Môn, TP HCM.
Sau 3 năm tu chí làm ăn, anh tích lũy được vốn và mở cơ sở điêu khắc mỹ nghệ bên trong một con hẻm ở phía sau chùa Hoằng Pháp (huyện Hóc Môn). Được sự động viên của các cấp chính quyền địa phương, anh còn tiếp nhận, đào tạo nghề cho gần 400 người sau cai, mãn hạn tù. Đối với những nam công nhân do anh đào tạo, khi lập gia đình, anh mua máy may làm quà biếu cho người vợ để làm kế sinh nhai. Nhờ đó, nhiều người mãn hạn tù đã vươn lên làm ăn chân chính, thu nhập ổn định và không ít người khá giả.
Với những đóng góp này, anh Hùng được tuyên dương trong chương trình "Những trái tim không khuyết tật" của Hội Liên hiệp về người khuyết tật Việt Nam, bằng khen của UBND TP HCM, Bộ Công an… Anh bảo không bao giờ quên ơn những người công an nhân dân đã giúp anh hoàn lương để làm lại cuộc đời.
CSGT gây xúc động trên mạng
Cách đây không lâu, trong lúc làm nhiệm vụ tại giao lộ Trường Chinh - Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP HCM), thượng úy Vũ Đình Nam (công tác tại Đội CSGT Tân Sơn Nhất) cùng trung úy Đoàn Tấn Phú đã nhìn thấy một người mẹ chở con nhập viện trong tình trạng nguy cấp nhưng đường lại kẹt xe. Lúc này, thượng úy Nam đã nói người mẹ đưa cháu bé cho anh Phú bế rồi dùng xe đặc chủng cấp tốc chở cháu đến bệnh viện kịp thời. Hình ảnh đẹp này được người dân ghi lại và đưa lên mạng gây xúc động mạnh cho cộng đồng mạng vì nét đẹp nhân văn.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ trọng án
Tại hội nghị triển khai quyết định của Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm do Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (gọi tắt là Cục Cảnh sát kinh tế - CSKT) - Bộ Công an tổ chức vào ngày 17-8, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao lực lượng CSKT dũng cảm đấu tranh với tội phạm, đạt được nhiều thành tích quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSKT đã phát hiện 9.440 vụ vi phạm, tội phạm kinh tế; thụ lý điều tra 2.064 vụ án với 2.875 bị can; khởi tố mới 1.126 vụ án với 1.483 bị can...
Thứ trưởng Lê Quý Vương đã trao quyết định về công tác tổ chức cán bộ Cục CSKT. Theo đó, cục được hợp nhất 2 cơ quan gồm Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu. Việc hợp nhất nhằm tăng cường sự phối hợp trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động trinh sát với hoạt động điều tra để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu trong tình hình mới.
Cũng tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ, của Đảng ủy Công an trung ương và Bộ Công an về việc sắp xếp tổ chức bộ máy mới đi đôi với việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án nghiêm trọng; tăng cường phối hợp các cơ quan tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
S.Hưng