Muôn màu làm thêm của sinh viên
Nhiều sinh viên tích cực làm thêm ngoài giờ lên lớp để có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sống
Công việc làm thêm của sinh viên rất đa dạng song hầu hết linh hoạt thời gian (xoay ca, bán thời gian), không yêu cầu quá cao về trình độ.
Nhiều lựa chọn
Tan lớp, lúc bạn bè vui chơi, nghỉ ngơi thì Thắng Nguyễn (sinh viên năm 2 ngành công nghệ kỹ thuật ôtô) khoác áo tài xế công nghệ. Anh đang chạy 2 ứng dụng vừa chở khách vừa giao đồ ăn, dù bận rộn nhưng chưa cúp học buổi nào.
Phan Hoàng Anh (sinh viên năm nhất ĐH RMIT Việt Nam) bắt đầu làm trợ giảng từ hè vừa rồi. Sau 4 tháng làm việc, cô nhận định: "Công việc giúp tôi thêm kiến thức, biết trân trọng thành quả lao động của mình và người khác". Mức lương 3-4 triệu đồng/tháng chưa phải quá lớn nhưng đủ tiếp động lực cho cô tân sinh viên.
Huỳnh Ngọc Như Hảo (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM) muốn tự lập, có chi phí phục vụ việc học và sở thích cá nhân, mở rộng quan hệ xã hội. Hảo từng làm barista, bán hàng, khánh tiết... Theo cô, công việc áp lực nhất thường liên quan khối ngành dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Đó là các vị trí ít cố định thì giờ, tương đối mất sức, đòi hỏi kỹ năng xử lý tình huống. Cô tâm sự: "Không có con đường nào chỉ trải toàn hoa hồng nên đôi khi thử thách là gia vị cuộc sống, đem đến bài học để tôi trưởng thành hơn và thầm biết ơn khi nhớ về".
Như Hảo (trái) hướng dẫn bài tập cho một học viên trong lớp do cô trợ giảng
Cảnh giác với "việc nhẹ lương cao"
So với đầu năm học trước bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên các trường dạy trực tuyến thì năm nay thành phố đón lượng lớn sinh viên ngoại tỉnh. Nền kinh tế dần phục hồi, nhất là ngành ẩm thực, giải trí, bán lẻ... cần nhân sự. Nhiều trường liên kết với các công ty, tập đoàn... tổ chức hội thảo, ngày hội việc làm, sự kiện hướng nghiệp và thành lập các đơn vị chuyên cung cấp thông tin, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và giới trẻ.
Các trường ngày càng quan tâm trang bị hiểu biết, kỹ năng mềm cho sinh viên
Sinh viên cần nâng cao hiểu biết, tránh bị lừa, quỵt lương, bị bóc lột sức lao động. Tiến sĩ quản lý giáo dục Nguyễn Vinh Quang (Founder Tổ chức Hướng nghiệp quốc tế Mr.Q) cho biết: "Bình tĩnh tìm hiểu thông tin, chớ rải CV hàng loạt; tham khảo các hội nhóm, diễn đàn giúp hình dung về môi trường làm việc và có quyết định đúng. Đừng mờ mắt vì việc nhẹ lương cao. Hãy tỉnh táo, chọn nơi mô tả đầy đủ công việc, yêu cầu và lương, thưởng tương đương mức phổ biến trên thị trường; không có việc nào dễ dàng, phải nỗ lực để nhận thù lao tương xứng".
Kẻ lừa đảo còn có thủ đoạn vẽ ra điều kiện làm việc tốt, yêu cầu ứng viên đóng một khoản tiền với lý do phổ biến như: đồng phục, phí đào tạo sẽ hoàn lại... Nhà tuyển dụng thực thụ không buộc đóng tiền trước khi làm, phải từ chối khi có dấu hiệu mờ ám. Bạn trẻ dễ gặp rủi ro khi làm việc bán thời gian vì thường thỏa thuận miệng, ít có hợp đồng. TS Quang khuyên: "Để bảo vệ quyền lợi, cách đơn giản là đề nghị người sử dụng lao động gửi thỏa thuận qua email. Dù có chữ ký hay không song với email mời làm việc chính thức thì vẫn có cơ sở để xử lý nếu xảy ra tranh chấp".