Vụ Vạn Thịnh Phát: Bẻ cong kết quả thanh tra là một tội ác!
(NLĐO) - Chính những cán bộ thanh tra giám sát ngân hàng vì lợi ích vật chất của cá nhân mà đã "đổi trắng thay đen", bẻ cong kết quả thanh tra nhằm có lợi cho SCB và Vạn Thịnh Phát, gây thiệt hại nặng nề tài sản quốc gia, đẩy hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh trắng tay.
Vừa qua, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành bản kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm về các tội danh "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ", dư luận bàng hoàng về những sai phạm của những người bị khởi tố.
Trong vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và một số đơn vị, có 86 bị can bị đề nghị truy tố.
Các bị can trong vụ án đang bị Bộ Công an truy nã
Theo kết quả điều tra, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 415.000 tỉ đồng. Trong đó, bà Lan chiếm đoạt của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) hơn 304.000 tỉ đồng, lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng trái phiếu của 42.000 nhà đầu tư…
Đây có lẽ là vụ án gây thiệt hại về kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, để lại những hậu quả rất nặng nề về kinh tế, xã hội. Để xảy ra hậu quả này, ngoài hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các cộng sự trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thì có trách nhiệm rất lớn của một số cựu quan chức trong lĩnh vực thanh tra giám sát ngân hàng.
Chính những người này vì lợi ích vật chất của cá nhân đã "thay trắng đổi đen" kết quả thanh tra, giúp bà Lan và đồng phạm tiếp tục lún sâu vào những sai phạm như cáo buộc của cơ quan điều tra.
Bà Trương Mỹ Lan trước thời điểm bị bắt
Vậy các cựu quan chức thanh tra giám sát ngân hàng và những người từng tham gia Đoàn Thanh tra liên ngành đã phát hiện những sai phạm gì và họ bẻ cong kết quả thanh tra ra sao?
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, thời điểm tháng 6-2017, tình hình tài chính của SCB rất xấu, âm vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, có nguy cơ phá sản rất cao. Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản kiến nghị Chính phủ lập đoàn thanh tra để thanh tra giám sát ngân hàng đối với SCB. Trên cơ sở đề xuất của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có nhiều văn bản truyền đạt ý kiến của Chính phủ về việc lập Đoàn Thanh tra liên ngành giám sát đối với hoạt động của SCB.
Hoạt động thanh tra đối với SCB tập trung vào các nội dung: Hoạt động cấp tín dụng từ thời điểm 30-6-2014; các khoản lãi và phí phải thu; thực trạng xử lý nợ xấu; việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Có thể nói, việc chỉ đạo thanh tra SCB của Chính phủ vào thời điểm đó là rất đúng và trúng.
Việc thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành cũng đã dự liệu được tình huống xấu xảy ra tại SCB và có dự kiến phương án xử lý nếu xảy ra tình huống xấu. Quả thật, khi đoàn thanh tra làm việc đã phát hiện hàng loạt sai phạm của SCB ở tất cả các nội dung: Tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), tỉ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu...
Đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng, trong đó chỉ ra các khoản nợ và khách hàng chứa nhiều rủ ro dẫn đến SCB mất khả năng chi trả, nợ xấu rất cao là Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái này.
Rất tiếc, sau khi phát hiện sai phạm của SCB trong việc cho tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay tiền, thay vì kết luận sai phạm và tham mưu cho các cấp thẩm quyền xử lý theo quy định thì Đoàn Thanh tra liên ngành lại bẻ lái sang hướng khác. Từ chỗ SCB có nhiều sai phạm, các bị can trong nhóm cán bộ thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Đoàn Thanh tra liên ngành đã bỏ ngoài báo cáo những thông tin xấu của SCB về phân loại nợ xấu, toàn bộ số liệu nợ xấu…
Nếu thời điểm đó, kết luận của Đoàn Thanh tra liên ngành báo cáo đúng bản chất thì thực trạng tài chính của SCB được giữ nguyên. Đó là: Hệ số CAR sẽ bị âm (-4,24%) do Vốn của chủ sở hữu bị âm đến hơn 22.000 tỉ đồng; lỗ lũy kế bị âm hơn 35.000 tỉ đồng; số lỗ lũy kế/vốn điều lệ và các quỹ dự trữ âm 278,84%; nợ xấu 35,87%. Với các chỉ tiêu này đã đủ điều kiện để đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt theo điều 146, Luật các Tổ chức tín dụng. Nếu lúc đó, Đoàn thanh tra báo cáo và kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt tại thời điểm đó, có lẽ đã không xảy ra vụ án như hiện nay.
Ấy vậy mà khi tham gia cuộc họp báo cáo Chính phủ về kết quả thanh tra SCB, các cựu quan chức tham gia đoàn thanh tra không báo cáo cụ thể số liệu mà chỉ nêu chung chung và đưa ra nhận xét SCB cơ bản đã chấp hành chỉ đạo; đồng thời trong phần kiến nghị còn đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho SCB thực hiện thành công tái cơ cấu.
Nhiều người bị hại liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp hồ sơ tố cáo
Đáng nói hơn, sau khi nghe báo cáo, Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo là tiếp tục thanh tra các dấu hiệu sai phạm của SCB thì các bị can thuộc nhóm cựu quan chức thanh tra tiếp tục bưng bít thông tin, sửa chữa số liệu theo hướng có lợi cho SCB và Vạn Thịnh Phát.
Hậu quả, SCB không những không thành công trong tái cơ cấu mà càng ngày càng lún sâu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì SCB mất hoàn toàn khả năng thanh khoản, gây thiệt hại hơn 415.000 tỉ đồng. Phần lớn số tiền này chảy vào túi cá nhân của nhóm Vạn Thịnh Phát. Hơn 42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đứng trước nguy cơ mất trắng. Đau lòng hơn, có nhiều người đã dùng tiền lương hưu trí, tiền vay mượn để mua trái phiếu để rồi giờ đây không biết khi nào mới lấy lại được tiền.
Hành vi của các cựu quan chức cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng rồi đây sẽ bị tòa án phán xét và kết luận, định tội theo luật. Về góc độ trách nhiệm công vụ, việc họ bẻ cong kết quả thanh tra là một tội ác đáng kinh tởm. Bởi lẽ hành vi của họ không những làm thiệt hại cho tài sản quốc gia mà còn hại hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh trắng tay.