Hai nhóm giải pháp phát triển vận tải tại TP HCM

Tại buổi tọa đàm về phát triển xe buýt trên địa bàn TP HCM do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM và Công ty TNHH Truyền thông S.A tổ chức tuần qua, Viện Nghiên cứu Phát triển và Sở GTVT TP HCM đã đề xuất 2 nhóm giải pháp nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng tại TP HCM từ nay đến năm 2025

Nhóm thứ nhất có tên là “đẩy” bao gồm: Thực hiện chính sách hạn chế xe cá nhân bằng cách tăng phí trước bạ đăng ký xe, tăng thuế, thu phí xe cá nhân lưu thông, đậu xe...; tái cấu trúc đô thị và không gian kinh tế bằng cách phát triển các trung tâm cấp khu vực, giữ cho vỉa hè thông thoáng, xây dựng trạm dừng, nhà chờ xe buýt hợp lý… Nhóm giải pháp thứ hai có tên là “kéo” bao gồm: Đổi mới phương tiện vận chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến cho hợp lý hơn; xây dựng bến bãi, trạm trung chuyển xe buýt; cải tiến công tác điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, cho vay ưu đãi đổi mới xe buýt, cho quảng cáo trên xe buýt để tăng thêm nguồn thu; tăng cường vận động người dân đi xe buýt; nhanh chóng hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến buýt nhanh (BRT), metro…

Theo 2 cơ quan trên, hiện nay “cạnh tranh” giữa xe cá nhân và xe công cộng (chủ yếu là xe buýt) đang diễn ra rất quyết liệt. Do đó, 2 nhóm giải pháp trên phải được thực hiện đồng bộ, trong đó xác định một số giải pháp có thể triển khai thực hiện ngay như giữ cho vỉa hè thông thoáng, xây dựng bến bãi, trạm dừng xe buýt… và một số giải pháp mang tính lâu dài như tái cấu trúc đô thị, đầu tư các tuyến metro. Với các giải pháp có tính lâu dài, cần chọn lọc thứ tự ưu tiên khi thực hiện.

Lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết UBND TP HCM đã chấp thuận giao Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO) nghiên cứu sản xuất 300 xe buýt theo tiêu chuẩn quy định, sử dụng khí CNG làm nhiên liệu để phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng của TP HCM. Trên thực tế, hiện nay TP HCM có gần 40 xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tất cả số xe này đều là xe nhập khẩu và việc giao cho SAMCO sản xuất 300 xe buýt chạy bằng khí CNG là thể hiện mong muốn của thành phố: từng bước đẩy mạnh ngành sản xuất ô tô trong nước và dần thay thế toàn bộ số xe buýt chạy bằng xăng, dầu sang chạy bằng khí CNG.