Quảng Bình: Xã vay tiền không trả, dân đòi bằng cách nào?

Luật sư Đỗ Hải Bình (đoàn luật sư TP HCM) cho rằng cho dù UBND xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình chi tiêu việc cơ quan nhưng nếu việc đi vay chưa được phép thì cá nhân người đứng ra vay phải trả.

Quảng Bình: Xã vay tiền không trả, dân đòi bằng cách nào? - Ảnh 1.

Trụ sở UBND xã Phúc Trạch - Ảnh: HOÀNG PHÚC/NLĐO

"Người dân cứ nghĩ họ là lãnh đạo xã, huyện vay tiền thì không mất được nhưng thực tế lại không phải như thế. Ngay cả anh em ruột thịt hỏi vay tiền nhau cũng phải đắn đo, suy nghĩ xem bên kia có khả năng trả hay không rồi mới xem xét đến việc cho vay bao nhiêu, đừng nói đến người ngoài. 

Đối với trường hợp xã, huyện vay của người dân không trả, đây là vụ việc dân sự, phải đưa ra tòa. Trước hết, cần phải xét tại thời điểm vay, người vay thực hiện hành vi với tư cách cá nhân hay đại diện cho xã. Nếu là đại diện cho xã, trong trường hợp việc vay thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, ở nhiệm kỳ đó chưa trả được thì nhiệm kỳ sau sẽ có trách nhiệm trả. Còn trường hợp xã cần tiền chi tiêu, dù chi tiêu việc cơ quan nhưng lại không được phép đi vay của người dân thì cá nhân người đứng ra vay phải chịu trách nhiệm. 

Kể cả trường hợp đã về hưu, tai biến, ốm đau, bệnh tật mà vẫn có tài sản thì vẫn đưa vụ việc ra tòa được. Cần phải xem ai cho đi vay, đây là mấu chốt của vụ việc".

(Luật sư ĐỖ HẢI BÌNH phân tích trên Đất Việt ngày 4-5 sau khi UBND xã Phúc Trạch huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vay của người dân 505 triệu đồng nhưng người dân đòi nhiều lần vẫn chưa trả, nhiều lãnh đạo vay tiền thời đó đã về hưu).