Tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối KCN 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh

(NLĐO) - Tuyến đường sắt Bàu Bàng và Cửa khẩu Mộc Bài là một nhánh của tuyến đường sắt Xuyên Á đi qua 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước

Ngày 6-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, cho biết để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương và Tây Ninh, 2 địa phương đã đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Bàu Bàng (Bình Dương) – Mộc Bài (Tây Ninh).

Theo ông Thuận, tuyến đường sắt này sẽ kết nối các KCN của tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Tuyến này còn kết nối đường sắt TP HCM – Lộc Ninh với tuyến đường sắt TP HCM – Mộc Bài.

Tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối KCN 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt xuyên Á xuất phát từ ga Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương) đến cửa khẩu Hoa Lư (Lộc Ninh, Bình Phước), trong đó có ga tại huyện Bàu Bàng.

Đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 31km, khổ 1.435mm; quy hoạch sau năm 2030.

Tuyến đường sắt kết nối huyện Bàu Bàng và Cửa khẩu Mộc Bài là một nhánh của tuyến đường sắt Xuyên Á đi qua 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước.

Từ ga ở huyện Bàu Bàng, tuyến đường sắt kết nối sẽ có một nhánh rẽ đi Tây Ninh. Đồng thời, chạy song với đường tạo lực phía bắc của Bình Dương là đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng sắp hoàn thành.

Trước đó, Bộ GTVT có văn bản gởi UBND tỉnh Bình Dương, trong đó có nội dung ủng hộ tỉnh này và Tây Ninh rà soát nhu cầu vận tải để nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài vào quy hoạch địa phương và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, làm cơ sở quản lý quỹ đất và chủ động huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường sắt nêu trên.

Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối, giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, kết nối du lịch với Campuchia và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS); đồng thời có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của đất nước.

Do đó, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có đủ dư địa và điều kiện cần thiết để phát triển theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại, xanh, bền vững; trở thành điểm kết nối quan trọng vào sự phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.