Úc mở cửa đón lao động nông nghiệp Việt Nam
Công việc trong ngành nông nghiệp khá phù hợp với người lao động Việt Nam và Úc là sự lựa chọn hấp dẫn bởi thu nhập cao, môi trường sống tốt
Từ lâu, Úc được đánh giá là thị trường lao động tiềm năng và nhận được sự quan tâm của người lao động (NLĐ) Việt Nam. Hiện nhiều đơn vị đang thực hiện một số loại visa lao động diện tay nghề chủ bảo lãnh, du học nghề, chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ... sang Úc. Nhưng các chương trình này chưa được phổ biến vì điều kiện khắt khe và chi phí khá cao, không phù hợp với số đông NLĐ.
Cơ hội vàng
Tin vui đến với NLĐ Việt Nam khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 7-3 vừa qua. Trong 11 văn kiện hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực giữa hai nước có kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Úc và Chính phủ Việt Nam về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc.
Việc đưa lao động Việt Nam đến Úc thông qua chương trình thị thực nông nghiệp (visa 403) nhằm bù đắp thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp ở Úc, đồng thời tạo cơ hội cho lao động Việt Nam tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thu nhập. Dự kiến, chương trình sẽ giúp những NLĐ tay nghề cao, lao động tay nghề bán chuyên và lao động phổ thông đến Úc, tham gia vào đa dạng ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những công việc mà NLĐ Việt Nam có lợi thế.
Lãnh đạo một công ty tư vấn di trú, định cư Úc có văn phòng tại TP HCM cho biết "visa nông nghiệp Úc" hay "visa 403" là những từ khóa đang được thảo luận nhiều nhất trên các diễn đàn lao động định cư Úc trong mấy ngày gần đây. Đặc biệt, với những ai đang có kế hoạch đi làm việc, định cư tại Úc thì đây là cơ hội vàng để nắm bắt.
Đây cũng là dịp các đơn vị, cá nhân môi giới hoạt động mạnh nhất để thu hút NLĐ đăng ký, nhận hồ sơ, đóng phí cọc… trong khi mọi thứ chưa rõ ràng. "Úc là đất nước rất khắt khe về luật nhập cư nên NLĐ cần tìm hiểu thật kỹ, phải chờ Chính phủ công bố cụ thể về chương trình. Tuyệt đối không đăng ký hay đóng phí cho bất cứ cá nhân, công ty nào nhận làm visa 403. Đó chắc chắn là lừa đảo" - lãnh đạo công ty tư vấn này cảnh báo.
Sớm công bố chương trình
Ngày 1-3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Úc tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đã ký kết kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc.
Theo đó, hai bên dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Úc theo Chương trình thị thực cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (chương trình PALM).
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho rằng Úc là quốc gia có nền kinh tế phát triển, nông nghiệp hiện đại. Việc hợp tác lao động với Úc giúp NLĐ Việt Nam sang làm việc không chỉ có thu nhập tốt, điều kiện làm việc bảo đảm mà còn là cơ hội học tập được các kiến thức, kỹ năng, khoa học - công nghệ tiên tiến. Đồng thời, việc hợp tác lao động trong lĩnh vực này sẽ đáp ứng nhu cầu về sử dụng nhân lực, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Dự kiến, việc tuyển dụng lao động đi Úc làm việc trong ngành nông nghiệp sẽ được thực hiện thông qua một đơn vị công lập, tối đa 6 doanh nghiệp sự nghiệp công lập và phải được sự chấp thuận của Bộ LĐ-TB-XH. Úc cũng sẽ phối hợp với phía Việt Nam để xác định, chấp thuận và công bố danh sách đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia chương trình này.
Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc bắt đầu tiếp nhận hồ sơ NLĐ có nguyện vọng sang Úc làm việc trong ngành nông nghiệp. Bộ LĐ-TB-XH đang phối hợp các cơ quan liên quan và phía Úc để sớm triển khai, đưa lao động sang Úc kịp trong năm nay theo cam kết của hai nước.
Theo Bộ Di trú Úc, tiêu chí để xét visa nông nghiệp dành cho NLĐ nước ngoài gồm: NLĐ từ 21 tuổi trở lên, không giới hạn tuổi tối đa; có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ đi một mình, không mang theo gia đình, người thân; có trình độ tiếng Anh nhất định; sức khỏe tốt, không mắc các bệnh truyền nhiễm; chưa từng bị từ chối visa nào tại Úc.