Khi niềm tin bị đánh cắp...

Đoạn phóng sự gian lận kết quả trong một cuộc thi bơi khối THCS do kênh truyền hình ANTV phát sóng mới đây đã làm xôn xao dư luận.

Kết thúc câu chuyện là lời nhắn gửi của cậu học sinh lớp 7, nạn nhân của trò gian lận do người lớn tạo ra, với tâm trạng ức chế: “Con chẳng tin người lớn nữa. Con sẽ chẳng bao giờ đi thi cái gì nữa vì niềm tin của con chẳng còn”. Phóng sự này khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện trong cuốn sách Chết đi cho rồi, Leonard Peacock (ảnh) của tác giả Matthew Quick.

img

Chết đi cho rồi, Leonard Peacock đề cập những góc khuất trong tâm hồn của một đứa trẻ khi cậu mất niềm tin vào cuộc sống, một thực tế dễ thấy trong thời buổi mà sự gian lận diễn ra trắng trợn. Leonard Peacock là một thiếu niên bất hạnh khi bố cậu, ngôi sao nhạc rock hết thời, suốt ngày chìm đắm trong bia rượu và mẹ cậu, bà Linda, là người đàn bà vô tâm, chỉ biết chạy theo thú chơi thời trang và những cuộc tình ngắn ngủi với trai trẻ. Trong suy nghĩ của người mẹ, Leonard như đứa dở hơi, một món nợ tạo ra từ ông chồng không ra gì. Vậy nên, Leonard luôn phải sống cô độc.

Hoàn cảnh đó khiến Leonard có tính cách và lối suy nghĩ khác biệt so với bạn bè, không thể hòa nhập với mọi người xung quanh. Ngay cả Asher, bạn thân của Leonard, cũng cho rằng cậu là kẻ lập dị. Họ thường xảy ra xung đột và dần trở thành kẻ thù. Điều đó khiến Leonard càng thêm cô độc và tuyệt vọng. Cậu bé có cảm giác cả thế giới quay lưng lại với mình và chẳng còn lý do gì để sống trên đời này. Leonard quyết định tự tử.

Trước khi chết, Leonard tặng 3 món quà cho 3 người mà cậu yêu quý. Đó là một số tiền để Baback, tay chơi violon thần sầu người Iran, có thể tham gia đấu tranh cho nền dân chủ trên quê hương mình. Đó là chiếc huy hiệu Sao Đồng - mà ông của Leonard nhận được trong cuộc chiến chống phát xít - dành cho thầy Herr Silverman, người có những tiết học đã kéo Leonard ở lại với thế giới này. Cuối cùng là chiếc vòng cổ mang hình cây thánh giá, Leonard dành tặng Lauren - cô gái mà cậu thầm thích.

Những đứa trẻ không chỉ cần được nuôi dưỡng mà còn cần được quan tâm. Điều đó hẳn ai cũng biết nhưng để làm được lại là việc rất khó. Người lớn vốn thường thích áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, đặc biệt là những đứa trẻ. Không được cất lên tiếng nói của chính mình, nhiều đứa trẻ sẽ giải quyết vấn đề bằng cách tìm đến những điều tồi tệ.

Bằng thông điệp “Hãy để những đứa trẻ có cơ hội nói lên mong muốn của mình”, Chết đi cho rồi, Leonard Peacock mang đến cho người đọc những điều gần gũi, bình dị và thiết thực nhất trong cuộc sống.  Trở lại câu chuyện gian lận kết quả trong cuộc thi bơi lội nêu trên, nếu tôn trọng suy nghĩ của trẻ, chắc chắn người lớn đã không khiến cho các em suy sụp tinh thần đến thế.

Nhà văn Mỹ Matthew Quick được nhiều độc giả yêu thích bởi những đề tài gắn liền với thanh thiếu niên. Quãng thời gian làm giáo viên ở trường trung học đã  giúp ông  có được những trang viết sống động và chân thực về lứa tuổi này. So với các tác phẩm đình đám của ông trước đây, tiêu biểu là The Silver Linings Playbook (được chuyển thể thành bộ phim cùng tên và nhận 4 đề cử giải Oscar), Chết đi cho rồi, Leonard Peacock có giá trị không hề thua kém.