Một Hà Nội khác trong âm nhạc Quỳnh Hợp

Quỳnh Hợp đã cùng lúc ra mắt hai album gồm 18 ca khúc do chị viết về Hà Nội trong suốt thời gian qua

Sau những Dương Thụ, Trần Tiến, Phú Quang... đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp cũng hành phương Nam để lập nghiệp và để... hát về Hà Nội. Nỗi nhớ ấy chính là sự “tĩnh” trong cái “động” đến chóng mặt của Sài Gòn.

Nỗi nhớ cứ tích tụ qua năm tháng để đến mùa thu này, khi Hà Nội 999 tuổi, Quỳnh Hợp đã cùng một lúc ra mắt hai album, gồm 18 ca khúc viết về Hà Nội trong suốt thời gian qua với hai cái tên cũng dễ thương như tính tình của chị: Sắc đào Nhật Tân và Hà Nội - Ngẫu hứng phố.


Những ca khúc phổ thơ đích thực


Giống như Phú Quang, ca khúc về Hà Nội của Quỳnh Hợp chủ yếu là phổ thơ. Cuộc giao hòa thơ - nhạc trong Quỳnh Hợp dường như là cuộc thẩm thấu tự nhiên khiến người nghe không cảm thấy đang nghe “hát thơ” mà rõ ràng đang được nghe những ca khúc phổ thơ đích thực.

Với Sắc đào Nhật Tân, Quỳnh Hợp muốn gây ấn tượng với người thưởng thức bằng việc tự thể hiện các ca khúc của mình. Cũng khá lâu, nhiều người Hà Nội vốn từng biết đến một nữ ca sĩ Quỳnh Hợp giọng nữ cao vào thập niên 80 thế kỷ trước, giờ được gặp lại giọng hát quen qua những ca khúc lạ do chính chị sáng tác.


Cái cách Quỳnh Hợp chọn thơ để phổ nhạc hình như cũng phóng túng, không gò bó. Thơ Đặng Hồng Thiệp vốn ẩn náu nhiều trắc ẩn, day dứt. Quỳnh Hợp đã chắp cánh cho những ẩn náu đó bay lên: “Anh gọi nắng dạt dào - Gọi thanh bình đầm ấm - Thôi ánh mắt ba đào...” (Kìa em mùa xuân về) hay: “Sông Hồng trôi trong nồng nàn ký ức - Mỗi con đường mang dáng một rồng lên...” (Trời thu Hà Nội).

img
imgimg
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp và hai album vừa phát hành

Những bối rối rất thi sĩ của Thái Thăng Long cũng được hổn hển nơi giai điệu Quỳnh Hợp tạo ra: “Chỉ chờ đào hé nụ - Cái cớ lên Nhật Tân - Sông Hồng chiều thần thánh - Mưa giăng như sông Ngàn...”. Âm hưởng ca trù cứ luồn trong giai điệu và tiết tấu khiến: “Ta rón rén bên hoa – Sợ cái đẹp rơi mất...” (Sắc đào Nhật Tân). 

Một niềm yêu mến và  tự hào về Hà Nội thẳm sâu để những cảm xúc cất lên thành giai điệu mang đậm nét văn hóa Hà Nội trong âm điệu mênh mang, huyền ảo của ca trù từ thơ của Nguyễn Đức Nam.

Cảnh vật thật yên bình và huyền ảo như òa vào nhau trong dòng chảy chậm rãi, phiêu du trong chiều Hồ Tây sương khói: “Một chiều giữa thanh bình Hà Nội - Cõi lòng ta hòa với đất trời...” (Một chiều với Tây Hồ) cùng với các ca khúc mang đậm nỗi nhớ Hà Nội như Nhớ Thăng Long (thơ Nguyễn Quyết Thắng), Miền cúc (thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà), Nghe quan họ ở Văn Miếu (thơ Hoàng Hương Trang).


Âm nhạc đầy quyền biến


Nếu album Sắc đào Nhật Tân là những sáng tạo mang chất ngụ tình của tác giả thì album Hà Nội- Ngẫu hứng phố lại mang chất trữ tình hết sức đương đại, đầy quyền biến. Người thưởng thức sẽ nhận ra sự chủ động phiêu bồng, bung phá trong cảm xúc và "chơi nghề nhạc" cho ra dáng "chuyên nghiệp". Toàn bộ album được cấu trúc tạo sự căng dần của nhịp điệu với giai điệu lúc nhòe, lúc rõ như Hà Nội mùa thu sương khói.

Nếu ta đã trải lòng cùng Tùng Dương, Thanh Thúy, Song Giang qua Bâng khuâng phố cổ (thơ Mai Hữu Phước), Trăng phố, Phố xưa (thơ Tố Nga) thì ta chợt nghèn nghẹn nơi vòm ngực khi nghe Cao Thái Sơn dằn nhịp trong Mưa phố. Những câu thơ đã thật hay của Uông Thái Biểu nhưng khi có thêm âm nhạc của Quỳnh Hợp cộng hưởng, ta mới càng thấm thía: “Giai điệu trầm và lời cay đắng - Ai hát vu vơ chiều như khóc... niềm tin cuối cùng vừa chia tay...”.

Tiết tấu của album Hà Nội- Ngẫu hứng phố bắt đầu được đẩy căng khi giọng hát “liêu trai” của Trần Hồng Kiệt day lòng ta như ngõ ngách thủ đô qua những câu thơ xuất thần của Huỳnh Đường đã được Quỳnh Hợp phổ nhạc cũng xuất thần: “Ngõ và ngõ lặng thầm Hà Nội - Phố đan phố hối hả sắc hương - Im lìm nắng và hun hút gió - Ngõ nào cũng ngõ ta thương... Ngõ náu nương khâu vá những mảnh đời...” (Ngõ phố, thơ Huỳnh Đường).

Một cách tả ngõ Hà Nội đến tận cùng để thêm lần minh chứng cho “Phố nhỏ ngõ nhỏ nhà tôi ở đó”. Vừa tả rất kỹ những lối ngõ quanh co bằng cảm xúc thẳng băng, Quỳnh Hợp cũng chợt “ngộ ra” nhịp phố Hà Nội theo một cách riêng qua thơ Vương Tâm, một nhịp phố mà Nguyễn Đình Thi, Phạm Duy, Phạm Duy Nhượng... đã từng tả trong ký ức.

Cứ thế, theo Nhịp phố (thơ Vương Tâm), ta miên man lang thang trong âm thanh Hà Nội của một người Hà Nội xa nhớ về Hà Nội: “Nắng thu rơi rơi sóng sánh mặt hồ - Đường phố phủ đầy tiếng chim - Lá vàng rơi vàng ngõ nhỏ - Mắt em trao vun vút dòng người...” qua giọng hát trẻ Tống Hạo Nhiên và rộn ràng náo nức khi một lần đặt chân lên đất kinh kỳ trong Hà Nội phố xuân (thơ Nguyễn Nho Khiêm) trong tiếng hát liêu trai của Hoàng Hải.