Sống chết với nghề ca hát

Bất chấp những thăng trầm, rối ren của thế giới giải trí, những giọng ca thâm niên trong nghề vẫn hằng đêm “say” hát ở các phòng trà. Với họ, đó không chỉ là cái nghề kiếm sống mà còn là nghiệp phải trả

Đã 64 tuổi nhưng đêm nào bà cũng đều đặn đi hát từ 20 giờ đến 23 giờ. Mới đây, bị bọn cướp giật túi xách, xô ngã đến bị thương nặng ở mặt và chân khi vừa đi hát về đến cổng nhà, đáng lẽ bà cần tịnh dưỡng nhưng vài hôm sau đã thấy bà trong tà áo dài lụa bước lên sân khấu các phòng trà. “Đó là cái nghiệp của tôi. Nghề của tôi chứa đựng tình yêu thương của mọi người. Ở nhà, tôi thấy mình vô dụng, không làm được gì cho ai cả, đi hát thì tôi làm biết bao người vui” - ca sĩ Hồng Vân luôn nghĩ như thế.

img
Ca sĩ Hồng Vân (trái) và ca sĩ Lan Ngọc biểu diễn tại các phòng trà Tiếng Xưa và Ân Nam

Được khán giả yêu là hạnh phúc

Bà tâm sự: “Bây giờ, các phòng trà đóng cửa nhiều nên tôi chỉ còn hát ở 2 phòng trà Ân Nam và Tiếng Xưa. Ở Ân Nam, tôi hát 3 buổi/tuần nhưng cũng có khi 4-5 đêm/tuần. Còn Tiếng Xưa, từ thứ hai đến chủ nhật đêm nào cũng hát. Những bài tôi hát thường theo chủ đề, ví dụ như nhạc của Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Trịnh Công Sơn… Khán giả yêu cầu đề tài gì tôi hát đề tài đó. Tôi đi hát lâu năm nên lưu giữ được nhiều bài hát”.

Nghiệp ca hát đã gắn chặt với ca sĩ Hồng Vân hơn 40 năm nay. Khởi nghiệp từ năm 20 tuổi, bà là thành viên của Tam ca Đông Phương (cùng với Thu Hà, Tuyết Hằng) hát dân ca 3 miền nức tiếng một thời khắp các phòng trà Maxims, Queen Bee, Đêm Màu Hồng… Sau năm 1975, nghiệp ca hát của bà vẫn tiếp diễn đến tận bây giờ. Với Hồng Vân, đã hát thì phải hát sao cho người nghe đồng cảm. “Ví dụ như hát cải lương, phải phát âm tiếng Nam Bộ rặt ngọt ngào, hò một câu hò Huế thì cũng phải biết nói tiếng Huế để khi cất lên nghe đậm đà, mênh mang...” - bà nhấn mạnh.

Tâm sự chuyện nghề, đôi lúc Hồng Vân lại hồi tưởng về những ngày xưa khi bà cùng các giọng ca nổi danh khác của làng nhạc Việt thời ấy như Khánh Ly, Thanh Thúy, Thanh Lan, Lan Ngọc… trình diễn trong trang phục rất đơn sơ. Bà kể: “Hồi ấy, mỗi người chúng tôi chỉ cần cất giọng lên là khán giả biết ngay ai hát. Mỗi khi lên sân khấu, chúng tôi chỉ có một đôi guốc cao với áo dài lụa. Ca sĩ không nhiều tiền như bây giờ nhưng chúng tôi đi hát vì cống hiến nhiều hơn là vì kiếm tiền. Người nào khá giả cũng đều nhờ chồng, con chứ không phải nhờ đi hát”.

Với Hồng Vân, đạo đức nghề nghiệp là tối quan trọng, nếu đã hẹn hát cho ai thì dù mưa gió bão bùng hay trả ít tiền thù lao, bà vẫn có mặt đúng giờ chứ nhất quyết không nhận hát cho người khác. Bà quan niệm: “Nghề của tôi rất thật, luôn chuyển tải tình cảm âu yếm, lãng mạn đến người nghe. Có những người một ngày phải kiếm ra tiền mới hạnh phúc nhưng tôi không cần điều đó. Nếu một ngày ra đường, được người ta khen hôm qua hát hay hoặc gặp những bạn trẻ yêu mến dòng nhạc xưa hay dân ca là ngày hôm đó, tôi hạnh phúc”.

Còn khỏe là còn hát

Nữ danh ca Lan Ngọc, người bạn thân thiết như chị em với NSƯT Hồng Vân, cũng đã có 46 năm ca hát ở Sài Gòn. Gặp bà tại phòng trà Ân Nam trong một buổi tối thứ hai mưa se lạnh, dù bị cảm, người phụ nữ 65 tuổi này vẫn lên sân khấu hát 2 tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để chiều lòng khán thính giả. “Hôm nay bị cảm mà ham hát quá nên vẫn đi. Đam mê ca hát trong người tôi quá lớn. Và cũng nhờ ông trời cho tôi một giọng hát lạ và một sức khỏe dẻo dai nên đến giờ phút này, tôi vẫn đi hát. Chứ nếu có giọng hát mà thiếu sức khỏe thì không thể nào đứng trên sân khấu” - ca sĩ Lan Ngọc bộc bạch.

Đi hát từ năm 1967, ca sĩ Lan Ngọc nổi tiếng ở Sài Gòn qua những ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Hoàng Giác… và là một trong những người hát nhạc Trịnh Công Sơn rất thành công. Đến tận hôm nay, bà cùng với NSƯT Hồng Vân là những ca sĩ đàn chị luôn “sống chết với nghề”. Nhiều lúc đi hát, ca sĩ Lan Ngọc không khỏi ngạc nhiên khi thấy có nhiều khán giả trẻ đến nghe nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn một cách say sưa. Bà kể: “Tôi hỏi vì sao còn trẻ mà không đi đến các sân khấu nhạc trẻ, mấy em bảo thích dòng nhạc này vì hồi nhỏ nghe theo ba mẹ nên quen, giờ nghe các dòng nhạc khác thấy không hợp. Tôi đùa rằng “các em già trước tuổi” nhưng qua đó, tôi nghĩ dòng nhạc này sẽ sống mãi với thời gian”.

Ngày trước, ngoài đi hát hằng đêm ở Ân Nam, ca sĩ Lan Ngọc còn hát ở quán Trịnh, Em và tôi, Sân khấu 126, Trống Đồng, Nhà hát Hòa Bình… Giờ đây đã có tuổi nhưng bà không sao dứt được nghiệp, vẫn hằng đêm hát cho khán giả phòng trà Ân Nam - nơi bà đang phụ trách biên tập, thỉnh thoảng tham gia chương trình Còn mãi với thời gian ở Nhà hát Bến Thành hoặc hát ở Nhạc viện TP HCM và không hề từ chối lời mời hát từ thiện nào.

Là đàn chị trong nghề, Lan Ngọc thấu hiểu hơn ai hết cái tâm của nghệ sĩ phòng trà trong thời buổi khó khăn. “Bây giờ, kinh tế đi xuống, phòng trà vắng khách, làm ăn khó khăn nên ca sĩ cũng ít sô, thu nhập không bao nhiêu nhưng họ đi hát không hẳn vì kiếm tiền mà còn vì niềm đam mê của chính họ và vì những khán giả yêu những bài họ hát. Hát phòng trà cũng đâu phải dễ. Nếu hát ở các quán cà phê nhỏ thì dễ lắm, ban nhạc đánh lướt cũng không sao, còn hát phòng trà thì phải rõ từng lời và có chiều sâu, đưa hồn mình vào trong lời bài hát để chuyển tải được điều nhạc sĩ gửi gắm. Phải hát sao cho khán giả ngồi nhắm mắt thưởng thức mà không cần nhìn mình hát”.

Nhìn lại mấy chục năm ca hát, Lan Ngọc trải lòng: “Cuộc đời tôi bằng phẳng vì tôi sống đơn giản, không đòi hỏi. Tôi ít gặp may mắn nhưng cũng không bị ai cản trên đường đi. Tên tuổi tôi có được bây giờ là bằng giọng hát và cái tâm chứ tôi cũng không được ai ưu ái nâng đỡ. Khán giả còn đón nhận thì tôi vẫn hát, đến một ngày nào đó sức khỏe không cho mình đứng được trên sân khấu nữa thì tôi mới rời xa nó”.

“Thanh niên bây giờ nghe nhạc trẻ vậy thôi nhưng khi tuổi đời lớn thêm và có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống thì lại sẽ tìm về với dòng nhạc xưa”.
(Ca sĩ Lan Ngọc)