Mùa dịch, phim truyền hình lợi thế

Hiện tại và sắp tới, nhiều phim truyền hình được đầu tư chu đáo tiếp tục phủ sóng, phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả

Trong lúc rạp phim tạm đóng cửa để phòng dịch, thị trường điện ảnh gần như rơi vào trạng thái "đóng băng", phim truyền hình trở nên lợi thế hơn trong việc phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả.

Nhu cầu tăng lên

Các đoàn phim vẫn tất bật, nỗ lực tạo ra sản phẩm đúng thời hạn để kịp lịch phát sóng đã định. Đến đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này, nhà làm phim đã quen với tình trạng vừa quay vừa chia số lượng thành viên sao cho phù hợp quy định phòng dịch, sắp xếp bối cảnh hợp lý cùng nhiều hoạt động bảo đảm an toàn trường quay. Nhờ sự ổn định từ phim truyền hình, đạo diễn và diễn viên cùng các nhân sự khác vẫn hoạt động liên tục.

Ngay sau khi đợt dịch Covid-19 mới nhất bùng phát, rạp phim ở TP HCM và các nơi khác tạm đóng cửa. Những tụ điểm vui chơi giải trí khác cũng không tránh khỏi tình cảnh tương tự. Khán giả lại trở về với phim truyền hình, phim chiếu mạng và các nền tảng thu phí như thói quen được thiết lập trong các đợt bùng dịch trước. 

Thời gian qua, phim truyền hình cũng dần khởi sắc với nhiều tác phẩm tạo được dấu ấn riêng như "Hướng dương ngược nắng", "Hồ sơ cá sấu"..., thu hút đông đảo khán giả thưởng thức. Hiện tại và sắp tới, nhiều phim truyền hình được đầu tư chu đáo tiếp tục phủ sóng phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả: "Cây táo nở hoa", "Hương vị tình thân", "Hãy nói lời yêu", "Thương con cá rô đồng", "Mùa hoa tìm lại"...

Nhiều nhà biên kịch chia sẻ rằng trong đợt bùng dịch này, phim truyền hình trở nên lợi thế hơn, vượt cả phim chiếu mạng cùng các nền tảng thu phí. Minh chứng cho điều này là các cuộc gọi đặt hàng tác phẩm tăng lên trong những ngày qua. 

"Phim truyền hình giờ là tâm điểm, vượt trội hơn các loại hình giải trí trong thời điểm bùng dịch này. Có lẽ, phim truyền hình đã lấy lại được niềm tin khán giả bằng hàng loạt tác phẩm có chất lượng hơn. Biên kịch nhận nhiều đặt hàng thì các đoàn phim cũng hoạt động không ngừng, hết đoàn này xong lại đến đoàn khác quay. Trong khi đó, phim chiếu mạng đợt này số lượng cũng không nhiều và sự đầu tư vẫn chưa thể sánh bằng những tác phẩm truyền hình khác" - biên kịch Thanh Hương nhận định.

Đồng quan điểm, nhà biên kịch Đông Hoa cho biết nhận được nhiều cuộc gọi đặt hàng hơn và mọi đầu tư đang dần dồn vào phim truyền hình thay vì phân tán sang các mảng khác như trước.

Mùa dịch, phim truyền hình lợi thế - Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Thương con cá rô đồng” đang phát sóng trên VTV3. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Nỗ lực nâng chất

"Chúng tôi đang quay sắp xong phim "Vợ quan" và đến khoảng tháng 6 quay tiếp phim chuyển thể từ vở cải lương "Duyên kiếp". Phim truyền hình hiện tại vẫn ổn, công việc của các khâu nhìn chung vẫn suôn sẻ" - bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và Truyền thông Mega GS, cho biết. 

Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho rằng phim truyền hình là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các giai đoạn bùng dịch như hiện nay. Lịch phát sóng được sắp xếp trước nên cần có sản phẩm để kịp phục vụ khán giả. Việc các nhà làm phim chuyển hướng sang phim truyền hình cũng dễ hiểu khi phim điện ảnh đang ở tình trạng thấp thỏm không biết khi nào mới có thể ra rạp, số lượng phim thắng thấp hơn nhiều so với tác phẩm thua lỗ. Khi nhu cầu giải trí của khán giả tăng lên thì các nhà sản xuất nỗ lực cung ứng để phục vụ họ.

Dù vậy, phim truyền hình cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, như những thách thức trong quá trình quay phim, nâng cao hoạt động phòng dịch, bảo đảm an toàn chung của cả ê-kíp... Trong tình hình đó, các phim còn phải nỗ lực nâng cao chất lượng, bảo đảm tác phẩm đủ sức hấp dẫn để tiếp tục bồi đắp niềm tin đã gây dựng được suốt thời gian qua. 

"Phim truyền hình nhìn chung vẫn ổn so với các loại hình khác nhưng vẫn chịu tác động chung của tình hình dịch bệnh về mặt kinh tế. Việc tìm kiếm quảng cáo trong tình hình này không dễ dàng và lợi nhuận lại càng khó khăn. Nhà sản xuất nào cũng hiểu rõ do ảnh hưởng chung nhưng vẫn nỗ lực tạo ra sản phẩm tốt nhất để nuôi dưỡng nghề mà mình theo đuổi. Bởi có như thế, phim truyền hình mới giữ vững được niềm tin với khán giả" - bà Bích Liên chia sẻ.

Với tinh thần đặt chất lượng lên hàng đầu, đạo diễn Phương Điền cho biết trong đoàn phim quay mùa dịch thường chia ra từng nhóm, luân phiên cho nhau. Bối cảnh được chọn thường là nơi ngoài trời, không tập trung dân cư đông đúc. Mọi thứ khó khăn hơn nhưng không vì thế mà qua loa, ngược lại còn phải hết sức thận trọng.

"Sau phim "Lưới trời", tôi đang quay 50 tập phim ngắn, mỗi tập 10 phút cho Đài Truyền hình Vĩnh Long. Bối cảnh được chọn lựa kỹ lưỡng với các cảnh đồng ruộng, quay đêm nhiều hơn. Sau 4 đợt bùng dịch, lần này chúng tôi cũng đã quen với việc sắp xếp, bố trí lực lượng thế nào cho phù hợp, ứng xử mỗi lần gặp các đoàn kiểm tra. Khó hơn bình thường nhưng chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm chất lượng. Khán giả càng có nhu cầu nhiều thì mình càng phải phục vụ những sản phẩm tốt" - đạo diễn Phương Điền bộc bạch. 

Tín hiệu vui

Đầu tư cho phim truyền hình đang được tăng dần và người trong nghề đánh giá điều này là tín hiệu vui. Nếu tiếp tục được nâng cao hơn nữa về mặt chất lượng như những gì đã làm thời gian qua, phim truyền hình sẽ sớm lấy lại vị thế, phát triển không thua kém những loại hình giải trí khác. So với phim chiếu mạng và nền tảng thu phí, phim truyền hình vẫn đang là những tác phẩm miễn phí và đầu tư kỹ lưỡng, dễ dàng đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức của khán giả.