Gà nhà đá nhau

Năm học 2007-2008 là năm đầu tiên các trường nghề tuyển sinh đào tạo trung cấp và CĐ nghề. Nhưng, do lần đầu tuyển sinh, các trường sờ đâu cũng vướng. Từ cái vướng về xếp hạng trường, nay có thêm cái vướng về quy chế tuyển sinh dạy nghề.

Theo quy chế tuyển sinh dạy nghề, đối với trình độ CĐ nghề, việc tuyển sinh được tiến hành theo hình thức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Dĩ nhiên, với quy định quá thoáng, các trường CĐ nghề chọn ngay hình thức xét tuyển, bởi có thế mới dễ tuyển sinh. Thực tế là nhiều trường CĐ nghề được dịp “phất lên”. Chẳng hạn, Trường CĐ Nghề TPHCM khai giảng hệ CĐ nghề đầu tiên ngày 15-9 vừa qua với số lượng tuyển sinh vượt 33% so với chỉ tiêu đề ra. Các trường khác như Trường CĐ Nghề Sài Gòn, Việt Mỹ, số lượng tuyển sinh cũng vượt chỉ tiêu...

Về chủ trương, việc xét tuyển giúp các trường CĐ nghề dễ tuyển sinh, khuyến khích nhiều người tham gia học nghề cấp bậc cao trong hệ thống đào tạo nghề nghiệp. Nhưng, việc xét tuyển CĐ nghề đang gây hại đến các trường trung cấp nghề. Hiệu trưởng một trường trung cấp nghề cho biết: “Cả hai hệ đều xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT. Do đó, không ai dại gì chọn vào trung cấp, bởi bằng CĐ nghề bao giờ cũng giá trị hơn bằng trung cấp”. Kết quả là trái ngược với các trường CĐ nghề, tình hình tuyển sinh tại các trường trung cấp nghề khá ảm đạm. Nhiều nơi như Trường Trung cấp Nghề Nhân Đạo, Quang Trung, Thủ Đức, Tôn Đức Thắng vì số học sinh đăng ký ít buộc phải chia làm nhiều đợt tuyển. Thậm chí như KTCN Hùng Vương, năm ngoái vượt gần 50% chỉ tiêu, giờ cũng chịu chung số phận.

Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TPHCM, tuy không thi tuyển đầu vào, nhưng không vì thế mà các trường CĐ nghề tự hạ chuẩn để có đủ người học. Trong khi đó, nhiều người cho rằng: Ai kiểm soát được điều này, khi quyền quyết định hình thức tuyển sinh được giao cho hiệu trưởng trường CĐ nghề? Do đó, nhất thiết phải có sự điều chỉnh, chứ không thể để hai hệ “đá” nhau trên sàn tuyển sinh.