Nhân lực: Yếu; dạy nghề: Thiếu mục tiêu

Dạy nghề hiện nay ở các địa phương chỉ loay hoay với mục tiêu xóa đói giảm nghèo là chính, chưa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, 70% lao động cả nước chưa qua đào tạo và 80% chưa qua đào tạo nghề khi tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực yếu đang trở thành rào cản, kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Chất lượng nhân lực quá yếu

Theo một báo cáo về “Nguồn nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long” của nhóm nghiên cứu do GS Võ Tòng Xuân chủ trì, chất lượng nguồn nhân lực của khu vực này quá yếu, có đến 77% đội ngũ lao động có trình độ học vấn từ THCS trở xuống và 83% lực lượng lao động không được đào tạo nghề chuyên môn.

Tại các vùng nghèo khác như cao nguyên Trung Bộ, đồng bằng miền Trung hay vùng cao các tỉnh phía Bắc... tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn. Một thực trạng đáng lo là số lao động trẻ (từ 15-30 tuổi) ở nông thôn thường đổ dồn về các đô thị, tỉnh, thành có khu công nghiệp, khu chế xuất như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương... Sự dịch chuyển lao động với áp lực gia tăng dân số ở các đô thị đang là vấn đề xã hội, kinh tế nghiêm trọng khi sự phân bố về lao động, nghề nghiệp trong cả nước mất cân đối như hiện nay.

Nhìn sang lĩnh vực xuất khẩu lao động mới thấy rõ hơn chất lượng lao động trẻ của VN. Trong 5 năm gần đây, số lượng lao động VN đi xuất khẩu lao động tăng nhanh và hiện đạt mức hơn 70.000 người/năm (riêng năm 2007 là 85.020 người). Đến nay có 500.000 lao động VN đang có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng nhìn vào cơ cấu, thành phần thì 90% số ấy lại là lao động phổ thông, tay nghề thấp hoặc không nghề xuất thân từ những tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa, chứ không phải những người có kỹ năng, trình độ kỹ thuật chuyên môn như hàn, mộc, đúc, tiện, cơ khí...

Chỉ lo xóa đói giảm nghèo là chính

Từ những thực tế này, vấn đề lớn đang đặt ra cho nước ta là sớm có biện pháp đột phá để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế. Nhưng có một thực tế là dạy nghề hiện nay ở các địa phương loay hoay với mục tiêu xóa đói giảm nghèo là chính. Dạy nghề vẫn chưa gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, nằm ngoài chính sách, chiến lược chuyển đổi cơ cấu công-nông nghiệp của các địa phương. Hầu hết các chương trình dạy nghề nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo đều là những chương trình ngắn hạn, chắp vá. Theo thống kê, trên 83% là những chương trình dạy nghề ngắn hạn từ 2 tuần đến 1 tháng, thời gian chỉ đủ làm quen với một nghề nào đó, vì vậy không lôi kéo, giữ chân được lực lượng lao động này ở lại nông thôn.

Để giải quyết những tồn tại trên, việc đào tạo nghề ở nông thôn cần phải được các địa phương xem lại cho phù hợp với những chính sách phát triển nông-công nghiệp-thủy hải sản trong ít nhất là một thập kỷ tới. Cần có trường dạy nghề khuyến nông-ngư nghiệp-cây trồng và công nghiệp chế biến (nông-thủy-hải sản), chăn nuôi và các ngành công nghiệp nhẹ khác tùy theo từng tỉnh và địa phương cụ thể. Đây chính là cái nôi đào tạo những chuyên gia có tay nghề cao cho từng ngành để phát huy thế mạnh trên mảnh đất đó.

Học gì từ Nhật Bản?

Cách đào tạo nguồn nhân lực của Nhật Bản rất cần để VN học hỏi kinh nghiệm. Tiền thân của Trường Đại học Tơ sợi Kyoto ngày nay xuất phát từ trường trung cấp kỹ thuật dạy nghề dệt. Hay như Đại học Gunma (phía Bắc Kanto thuộc tỉnh Saitama) xuất thân từ trường dạy trồng dâu nuôi tằm, là thế mạnh truyền thống của tỉnh Gunma từ thời Minh Trị Duy Tân. Không những các trường kỹ thuật, thực nghiệp của nhà nước, mà ngay những trường đại học tư nổi tiếng như Đại học Waseda (Tokyo) cũng phát xuất từ Trường Tokyo Senmon Gakko thành lập năm 1882 đến năm 1920 mới chính thức được công nhận là đại học.

Những trường hợp tương tự như vậy rất phổ biến trong quá trình hình thành hệ thống giáo dục đại học của Nhật Bản ngày nay. Đây là nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành công-nông nghiệp, thương nghiệp ở Nhật Bản từ những năm cuối thế kỷ 19, dựa vào lực lượng lao động được đào tạo chính quy từ thấp lên cao trong một hệ thống dạy nghề (thực nghiệp, trung cấp kỹ thuật, cán sự và chuyên tu) hoàn chỉnh. Tỉnh nào mạnh ngành gì thì ưu tiên xây dựng trường kỹ thuật dạy nghề cho ngành đó và không có hiện tượng trường dạy nghề tràn lan mạnh ai nấy làm như ở ta.

“Nút thắt” thu hút đầu tư nước ngoài

Chất lượng nhân lực yếu là một trong những yếu tố cản trở sự phát triển của nền kinh tế địa phương, gây lo ngại đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đặt chân đến VN làm ăn. Có người gọi đó là “nút thắt” ngăn chặn dòng chảy của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về các địa phương. Có thể hiểu rõ tình trạng này qua con số vốn FDI đăng ký đầu tư vào VN năm 2007 là 20,3 tỉ USD, nhưng giải ngân chỉ đạt 4,6 tỉ USD. Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân là do lo ngại của nhà đầu tư về chất lượng lao động.

Cần biết là cùng với xu hướng đầu tư nước ngoài vào VN gia tăng thì yêu cầu lao động của nhà đầu tư không còn dừng lại ở mức phổ thông (thô), mà ngày càng đòi hỏi một lực lượng lao động có tay nghề chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.