Văn hóa tuyển dụng

Từ đầu năm đến nay, khắp trong đến ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) tại TPHCM, các doanh nghiệp (DN) thi nhau tuyển dụng lao động. Trên nhiều tuyến đường, đâu đâu cũng thấy băng rôn, áp phích tuyển lao động. Đáng nói là sự thiếu hụt lao động đã khiến nhiều DN nghĩ ra nhiều cách, tìm mọi “độc chiêu” tuyển dụng.

Dễ dàng nhận thấy những kiểu tuyển dụng “độc chiêu” ấy. Trên đường dẫn vào KCN Tân Bình-TPHCM hàng loạt cột điện bị dán chi chít những bảng tuyển dụng của các DN may mặc, giày da. Tình trạng tuyển dụng trên trụ điện, cột đèn ở giao lộ cũng được các công ty cạnh KCN Sóng Thần, Bình Đường (Bình Dương), các ngã tư, ngã năm đông người như khu vực ngã năm Chú Ía (Gò Vấp), ngã tư Gò Dưa... cũng bị tận dụng triệt để. Càng khó nhìn hơn, khi bước ra xa lộ, những con lươn cũng được các DN biến thành nơi rao tuyển. Lý giải cho những kiểu tuyển dụng trên, nhiều DN cho rằng vì những nơi ấy đông người qua lại, dễ thu hút người thiếu việc.

Ngày nay, hoạt động tuyển dụng không đơn thuần chỉ là tìm kiếm nhân lực mà còn thông qua đó, DN quảng bá thương hiệu, hình ảnh của mình. Nói cách khác, thương hiệu, hình ảnh hay văn hóa DN thể hiện qua chính văn hóa tuyển dụng. Với cách quảng bá trên cột điện, trụ đèn thì có thể được một (lao động), nhưng lại mất đi mười (giá trị thương hiệu).

Các chuyên gia tư vấn nhân lực cho rằng con người là tài sản DN. Sự thành công của DN do con người quyết định. Nếu DN không biết tôn trọng con người, không biết đưa ra chính sách thu hút lao động cũng như tuyển dụng đúng cách thì chính DN tự hủy diệt mình. Đừng vì thiếu hụt lao động mà đưa ra những kiểu tuyển dụng không giống ai để làm mất đi hình ảnh chính mình.