Vẫn tái diễn thừa thầy thiếu thợ

Trong khi cơ cấu đào tạo ở các nước là 1 cử nhân - 4 trung học chuyên nghiệp - 10 công nhân kỹ thuật thì ở VN tỉ lệ tương ứng là 1 - 1,16 - 0,95

Hội thảo “Đào tạo- Việc làm: Cơ hội và thách thức trong hội nhập quốc tế” được Trường CĐ Nguyễn Tất Thành TPHCM tổ chức sáng 30-7. Những hạn chế trong lĩnh vực dạy nghề, huy động nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế một lần nữa được đưa ra bàn thảo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành TPHCM, cho rằng chúng ta chưa có chiến lược cụ thể về đào tạo và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường, nhu cầu của nền kinh tế. Trong khi cơ cấu đào tạo của các nước hiện nay là 1 cử nhân - 4 trung học chuyên nghiệp - 10 công nhân kỹ thuật (CNKT) thì tỉ lệ tương ứng ở VN là 1 - 1,16 - 0,95. Hệ quả là sinh viên ĐH ngày càng nhiều, trong khi CNKT không tăng, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ tái diễn.

Tại TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, hoạt động dạy nghề cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Kết quả những lần tổ chức sàn giao dịch việc làm gần đây cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của doanh nghiệp chiếm 80%, trong khi nguồn cung ứng chỉ đáp ứng 10%. Sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn TPHCM cũng chưa có hướng giải quyết. Điều này khiến cho cảnh báo của Bộ LĐ-TB-XH về tương lai không xa VN phải nhập khẩu lao động kỹ thuật là điều có thể xảy ra.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết công tác dạy nghề đã và đang được Nhà nước đầu tư mạnh trên cơ sở quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đào tạo. Mục tiêu từ nay đến năm 2010 sẽ có 40%-50% lao động qua đào tạo, 2/3 trong số này là lao động qua đào tạo nghề. Để thực hiện mục tiêu cũng như tháo gỡ những hạn chế trong đào tạo nghề, nhiều đại biểu cho rằng phải có chính sách đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả trên cơ sở dự báo thông tin thị trường, quản lý nguồn nhân lực; có chiến lược quy hoạch, đầu tư mạnh cho dạy nghề phù hợp với phát triển kinh tế.