Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn Thái Lan, Malaysia?

(NLĐO) - Năm 2024, đầu tư công sẽ đóng vai trò gồng gánh nền kinh tế trong khi các động lực khác giảm sút tăng trưởng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Anh), nhận định năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của khu vực ASEAN.

Phóng viên: Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 được Quốc hội thông qua là 6%-6,5% có phải là mục tiêu thách thức, thưa ông?

TS HỒ QUỐC TUẤN: Đây là mục tiêu thách thức trong bối cảnh các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều tăng chậm lại - dù không suy giảm.

Tăng trưởng GDP 5,05% trong năm 2023 là rất đáng khích lệ. Các tỉnh, thành đã rất nỗ lực tăng chi tiêu công, chẳng hạn TP HCM tăng chi tiêu công từ khoảng 40% kế hoạch lên mức 70% kế hoạch.

Ông có thể giải thích rõ hơn quan điểm "dù tăng trưởng GDP của Việt Nam có giảm thì vẫn nhất khu vực" - mà ông đã đưa ra?

Những thách thức của năm 2024 là thách thức chung cho tất cả quốc gia trên toàn cầu. Vì vậy, chúng ta cần có một sự so sánh tương đối.

So với khu vực, Việt Nam nằm trong tốp dẫn đầu về tăng trưởng. Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á tháng 12-2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 gấp đôi Thái Lan, cao hơn mức 4,2% của Thái Lan và 5% của Indonesia. Đây là tín hiệu đáng lạc quan vì những nước này là đối thủ thu hút FDI của Việt Nam. Một điểm thú vị của năm 2023 là ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò "bệ đỡ" của nền kinh tế trong bối cảnh xuất khẩu nói chung suy giảm 6,6% so với năm trước.

Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn Thái Lan, Malaysia?- Ảnh 2.

Nền kinh tế vẫn trông đợi vào đầu tư công cho đến khi các động lực tăng trường phục hồi và thị trường bất động sản được tháo gỡ khó khăn

Năm nay, bên cạnh kỳ vọng nông - lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì vai trò như năm 2023, đầu tư công sẽ vẫn đóng vai trò "gồng gánh" nền kinh tế cho đến khi đầu tư tư nhân và FDI tạo đột phá trở lại cùng với những khó khăn của thị trường bất động sản được tháo gỡ. Quan trọng là cần khắc phục tốt hơn tình trạng có tiền nhưng không dám tiêu trong đầu tư công.

Liên quan chính sách tiền tệ, mặc dù có những nỗ lực nhưng vẫn còn đó câu hỏi về khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Không chỉ Việt Nam mà các ngân hàng ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đều gặp phải vấn đề không giải ngân được vốn tín dụng. Ngay cả những gói lãi suất cực thấp được Trung Quốc đưa ra vẫn không thể đưa vào nền kinh tế. Còn tại Mỹ, mức hấp thụ các gói hỗ trợ chính sách cũng đã chững lại trong mấy tháng cuối năm.

Rõ ràng, thị trường tài chính đối mặt với quá nhiều bất định nên nhu cầu vay lẫn khả năng chấp nhận rủi ro cho vay của ngân hàng đều tới hạn. Trong bối cảnh vốn tư nhân không thể chảy ra dễ dàng, vốn đầu tư công cần đóng vai trò kích thích. Nhiều nhà kinh tế của Trung Quốc cũng khuyến nghị điều này để không để tăng trưởng rơi xuống dưới 4%.

Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn Thái Lan, Malaysia?- Ảnh 3.

Mặt bằng lãi suất của Việt Nam thấp nhất trong 20 năm qua - bất chấp nhiều quốc gia tăng lãi suất hoặc duy trì lãi suất ở mức cao - sẽ đem lại lợi ích gì cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân?

Về mặt lý thuyết cổ điển, lãi suất điều hành thấp mang lại lợi ích lớn là hạ lãi suất đầu vào, nhờ đó có thể hạ lãi suất cho vay, giúp chi phí lãi vay của doanh nghiệp giảm. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm gần đây cho thấy có những điểm đặc thù - mà các lý thuyết mới gọi là "lực cản" (frictions) - khiến tiền vào ngân hàng nhưng chạy vòng quanh trong các "bể dự trữ", không bơm ra được nền kinh tế. Trong đó, ngân hàng không thể cho vay với những dự án quá rủi ro - nhất là bất động sản, còn người gửi tiền bi quan về kinh tế và sợ rủi ro nên vẫn để tiền trong ngân hàng.

Tình trạng lãi suất thấp, tiền gửi vào ngân hàng tăng nhưng tín dụng không tăng đã diễn ra ở Trung Quốc trong năm qua, bất chấp lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng đã xuống dưới 1,5% và lãi suất cho vay khoảng 3-4%. Trước đó, mặt bằng lãi suất ở một số nước châu Âu chỉ 1%.

Điều này cũng có thể diễn ra ở Việt Nam. Vấn đề ở đây không chỉ là lãi suất thấp bao nhiêu mà nằm ở cơ hội kinh doanh và niềm tin kinh doanh - tiêu dùng như nào? Niềm tin là thứ mơ hồ và chỉ cải thiện khi thấy những động lực tăng trưởng phát huy tác dụng.

Người phân tích chính sách, ngồi trong phòng máy lạnh không thể khuyên người dân "nên hay không nên" đem tiền đi sản xuất - kinh doanh với mặt bằng lãi suất thế này hay thế kia, mà cốt lõi phải là ở năng lực của chính người dân.

Người nào biết làm ăn, biết nhìn nhận thời thế thì sẽ tìm cách xoay sở. Còn người không quen với điều đó thì lãi suất thấp cũng sẽ không mạo hiểm.

Ông có khuyến nghị nào cho nhà đầu tư và người dân trong năm 2024?

Có một góc nhìn thuần lý thuyết là lãi suất thấp thì người dân bung ra để làm ăn với giả định là "cứ có làm là có ăn". Thực tế không phải như vậy.

Như tôi đã nói ở trên, doanh nghiệp đã nhiều năm kinh doanh mà họ vẫn thận trọng thì người không có kinh nghiệm càng không dễ làm ăn. Người có "máu" kinh doanh thì khó khăn hay thuận lợi họ vẫn luôn tìm cách làm ăn; còn nhiều người sợ rủi ro, quen gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp vẫn chỉ gửi tiết kiệm mà thôi. Khi thị trường vàng có dấu hiệu biến động lớn, người dân còn lưu ý tới kênh đầu tư vàng nữa.

Trong bối cảnh này, số đông sẽ không bung ra sản xuất, kinh doanh. Nên nhớ rằng gần 160.000 doanh nghiệp đã đóng cửa trong 11 tháng đầu năm 2023, một con số đáng kể. Chính phủ cần cải cách môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, gia tăng đầu tư công để tạo hạ tầng tốt hơn. Khi đó, cơ hội kinh doanh cũng sẽ xuất hiện. Những người nhạy bén sẽ tự tìm ra cách để kinh doanh và họ sẽ tìm cách tiếp cận vốn ngân hàng. Niềm tin lan tỏa từ khách hàng đến ngân hàng sẽ giúp tình hình kinh doanh khởi sắc.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước thay đổi cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng, chuyển sang cấp một lần 15% cho các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng phải kiểm soát dòng vốn tín dụng để không đi vào doanh nghiệp "sân sau", doanh nghiệp trong hệ sinh thái... Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về cơ chế này?

Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng chỉ mới được áp dụng hơn một thập niên nay. Cơ chế này không giải quyết được vấn đề cốt lõi trong nhiều thập niên là khả năng kiểm soát nội bộ và quản lý của ngân hàng cũng như năng lực giám sát an toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước.

Để hạn chế các ngân hàng cho vay đối với doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp trong hệ sinh thái, cần 2 công cụ là hệ thống quản trị nội bộ của ngân hàng và khả năng giám sát rủi ro tổng thể của Ngân hàng Nhà nước.

Công cụ về lý thuyết thì NHNN có nhiều nhưng thực tế, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước không thể hoàn toàn tin tưởng ngân hàng thương mại không dùng thủ thuật với các con số về an toàn vốn, cho vay... và không "lách" để cho vay với các công ty con trong hệ thống - như trường hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Sacombank). Như vậy, không cách nào kiểm soát rủi ro hết được.

Cần nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ và hệ thống thông tin cảnh báo của chính ngân hàng thương mại để kiểm soát rủi ro. Nhưng nếu có một vài ông bà chủ nấp sau bức màn thì làm sao để hệ thống đó vận hành tốt? Cuối cùng vẫn là phải làm sao có một hệ thống thông tin để có thể công khai ai là chủ thật sự của một ngân hàng, qua đó các kênh giám sát trong nền kinh tế - từ cổ đông nhỏ lẻ của ngân hàng cho đến thanh tra Ngân hàng Nhà nước, cơ quan truyền thông - đều có thể giám sát. Nhiều tai mắt giám sát mới khó "làm bậy"!

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - Quỹ đầu tư Vinacapital:

Kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,5%

Năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo sẽ cao hơn mức 5,1% của năm ngoái, có thể đạt mức 6%-6,5%. Mức tăng trưởng này đến từ kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi từ mức giảm 4% trong năm 2023 lên mức tăng 7% năm 2024. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm "Made in Vietnam" - đặc biệt là hàng điện tử tiêu dùng - ở các thị trường Mỹ, châu Âu dần phục hồi và có thể tăng trong năm nay.

Mặt bằng lãi suất thấp hơn và ít biến động hơn so với giai đoạn 2 năm trước sẽ hỗ trợ nền kinh tế phát triển theo nhiều cách - bao gồm thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng.

Nhu cầu tiêu dùng của người Việt (không bao gồm khách du lịch) gần như không tăng trưởng trong năm qua, một phần bởi tác động từ làn sóng cắt giảm nhân sự ở ngành công nghiệp sản xuất và sự đình trệ của thị trường bất động sản. Nhu cầu tiêu dùng đã bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2023 khi nhiều nhà máy bắt đầu tuyển dụng trở lại và Chính phủ có các động thái hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Điều này góp phần tích cực cho đà tăng trưởng.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế về Thái Lan và Việt Nam - Ngân hàng Standard Chartered

Phát triển cơ sở hạ tầng

Triển vọng kinh tế Việt Nam về trung hạn vẫn đầy hứa hẹn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng và giảm lượng khí thải các bon. Doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mạnh mẽ bất chấp sự điều chỉnh gần đây. Xuất nhập khẩu đang bắt đầu phục hồi trong khi dòng vốn FDI có dấu hiệu trở lại mạnh mẽ hơn đòi hỏi tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn.

Lạm phát của Việt Nam năm 2024 sẽ tăng lên 5,5%. Việc nới lỏng tiền tệ có thể sắp kết thúc do kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi song lãi suất được kỳ vọng sẽ giữ nguyên.

Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh hơn Thái Lan, Malaysia?- Ảnh 4.