Trách nhiệm vẫn lơ lửng!

Trước bức xúc của dư luận, chiều 12-10, Sở GTVT TPHCM mới có văn bản yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Tuyết Mai, để xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan

Liên quan đến cái chết thương tâm của chị Hà Thị Tuyết Mai khi chở con đi học về trên đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức-TPHCM) do xe va vào hố ga, chị ngã ra đường và bị xe tải cán chết (Báo NLĐ ngày 12-10 đã thông tin), đến hôm nay “trái banh” trách nhiệm vẫn bị các bên... đá qua đá lại.

Không ai chịu trách nhiệm
 
Theo ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước phía Đông (thuộc Công ty Thoát nước đô thị TP) – đơn vị  phụ trách tuyến cống thoát nước đường Kha Vạn Cân, sở dĩ hố ga bị nhô ra là do quá trình chỉnh trang vỉa hè của quận Thủ Đức. Cụ thể, để xe có thể lên xuống vỉa hè, đơn vị thi công đã vạt xéo bó vỉa, làm lộ ra một phần miệng hố ga.
Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Thống, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, khẳng định chính Công ty Thoát nước đô thị TP mới là chủ đầu tư làm đoạn đường trên chứ không phải quận.  
img
Con trai lớn chị Tuyết Mai (13 tuổi, người ôm lư hương) đau xót đưa tiễn thi hài mẹ về với đất. Ảnh: PHẠM DŨNG
Theo ông Thống, trước đây Công ty Thoát nước đô thị TP đào đường, xây dựng hệ thống cống hộp nên sau đó đơn vị này tái lập mặt đường và bó vỉa hè theo kiểu lài lài.
 
“Khi họ tái lập mặt đường bị địa phương phản ứng dữ dội vì mặt đường hẹp, hố ga không an toàn. UBND quận đã có văn bản gửi Công ty Thoát nước đô thị nhưng đơn vị này không điều chỉnh. Chị Mai bị tai nạn chết là chuyện đau thương. Ai thiếu trách nhiệm thì nhận, không thể đổ qua đổ lại!”- ông Thống nói.
Còn ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý thoát nước - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (gọi tắt là trung tâm), cho biết khi tiếp nhận quản lý hố ga trên đường Kha Vạn Cân, trung tâm đã thấy những bất cập trên.
 
Hiện nay, tình trạng hố ga nhô ra khỏi vỉa hè xuất hiện đầy rẫy khắp các con đường của TP, nhất là sau khi cải tạo, chỉnh trang vỉa hè.
Làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Mai
 
Trước bức xúc của dư luận, chiều 12-10, Sở GTVT TPHCM đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát, xử lý các vị trí nắp hầm của các công trình hạ tầng kỹ thuật có cao độ cao hơn và nhô ra mặt đường, bó vỉa của vỉa hè, lề đường.
 
Đối với các vị trí nắp hố ga thoát nước cao và nhô ra mặt đường, bó vỉa của vỉa hè trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, Sở GTVT đề nghị trung tâm phối hợp với Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (gọi tắt là Khu 2) kiểm tra và nhanh chóng có biện pháp xử lý để không làm cản trở giao thông.
 
Sở GTVT cũng yêu cầu Khu 2 phối hợp với UBND quận Thủ Đức, Công an quận Thủ Đức, Thanh tra Sở GTVT, trung tâm làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn giao thông vào ngày 9-10 và các vụ tai nạn giao thông trước đây trên đường Kha Vạn Cân, qua đó xác định rõ trách nhiệm các bên liên quan. Báo cáo kết quả về sở trước ngày 19-10.
 
Theo Sở GTVT, sau khi đã rà soát và xử lý các “khuyết tật” trên, nếu có tai nạn giao thông mà nguyên nhân do ảnh hưởng bởi các vị trí hầm của các công trình hạ tầng kỹ thuật, các đơn vị quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Đơn vị quản lý hố ga khó thoát trách nhiệm

 
Qua bài viết “Chết oan vì hố ga” của Báo NLĐ, theo tôi, Cơ quan Điều tra ngoài việc phải xác định có hay không hành vi vi phạm những quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của người lái xe tải, còn phải làm rõ thêm những vi phạm trong việc đặt miệng cống hố ga nhô cao và đào lấn ra ngoài lòng đường làm chị Mai té ngã trước khi bị xe tải cán chết.
Bởi hành vi làm hố ga nhô cao và lấn ra ngoài đường cũng là hành vi vi phạm gây cản trở giao thông đường bộ và tội phạm, hình phạt được quy định tại điều 203 Bộ Luật Hình sự - Tội cản trở giao thông đường bộ.

Về trách nhiệm dân sự, khi giải quyết vụ án hình sự, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan tố tụng, có trách nhiệm xác định đơn vị quản lý hố ga là bị đơn dân sự (nếu khởi tố về tội cản trở giao thông đường bộ) hoặc là người có nghĩa vụ liên quan (nếu khởi tố lái xe về vi phạm những quy định về  điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) trong vụ án đó. Và đơn vị này phải có nghĩa vụ bồi thường hoặc liên đới bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Luật sư Trịnh Thanh(Văn phòng Luật sư Người nghèo)

Xé lòng măng non tiễn mẹ

 
“Dẫu biết ai rồi cũng sẽ chết nhưng sự ra đi của Mai quá đột ngột, bỏ lại hai con còn quá nhỏ, chúng nó cần có mẹ...”. Một người bạn của chị Mai buông thõng câu nói, nhìn lên di ảnh chị rồi bật khóc. Cả đám đông ồ khóc theo.
Rạng sáng 12-10, đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, láng giềng đã đến tiễn đưa chị Mai về nơi an nghỉ cuối cùng. Đứng bên vành cúc trắng, người em họ của chị Mai nhìn về phía T. (con trai lớn chị Mai) giọng buồn rầu: “Tội nghiệp, thằng nhỏ cứ thẫn thờ. Mấy ngày nay mặt nó buồn xo. Thương nhất là cu út chỉ mới hơn 7 tuổi, phải chứng kiến cái chết thảm của mẹ. Sáng nay mặc đồ tang để đưa mẹ đi, cháu cứ hỏi: Mẹ Mai đâu rồi?”.
Nghe chị nói đến đó, chúng tôi lặng người, không muốn hỏi gì thêm. Tiếng kèn, tiếng trống cứ đều đều, chầm chậm như níu người mẹ ở lại với hai đứa trẻ.
Hòa lẫn vào đám tang, tôi thấy bạn bè anh chị ai cũng khóc, chỉ riêng anh Đức (chồng chị Mai) cứng cỏi hơn.
Anh lặng lẽ lo mọi việc từ chuyện trà nước đến chuyện an ủi, vỗ về con nhỏ. Điều chúng tôi cảm nhận được nơi anh rằng dường như nỗi đau đã chạm đến tận cùng của đau khổ nên anh không thể khóc thành lời.

Chiếc xe tang chậm rãi lăn bánh đưa chị về quê Long Khánh, tỉnh Đồng Nai để an nghỉ.

Một gia đình ấm êm nay đã vắng tiếng cười. Chúng tôi dắt xe ra về mà lòng tự hỏi: “Rồi đây còn bao nhiêu nụ cười sẽ tắt vì những cái hố ga, “hố tử thần...?”.

Phạm Dũng