Năm 2004, không hẹn mà cả điện ảnh lẫn sân khấu đều chọn cốt truyện Trăng nơi đáy giếng làm cơ sở để phát triển thành kịch bản và nếu không có gì thay đổi, vào tháng 6 tới đây, Trăng nơi đáy giếng sẽ lên sàn tập và sàn quay.
Trăng nơi đáy giếng được coi là một trong những sáng tác hay nhất của Trần Thùy Mai, một nhà văn nữ người Huế. Chị đã từng được biết đến như một cây viết có văn phong dịu dàng nhưng sâu sắc, qua các tập truyện ngắn như Bài thơ về biển khơi (1983), Cỏ hát (1984), Thị trấn hoa quỳ vàng (1994). Chị viết Trăng nơi đáy giếng dựa theo một câu chuyện hoàn toàn có thật trong đời sống. Sau khi Trăng nơi đáy giếng ra mắt, lập tức nỗi đau của cô giáo Hạnh trong truyện đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm.
Nhà biên kịch Châu Thổ (Hãng phim Giải Phóng) đã chuyển thể Trăng nơi đáy giếng thành một kịch bản phim dài đủ cho một bộ phim truyện chỉ trong một tháng. Đó được coi là một “kỷ lục” bởi truyện ngắn chỉ có trơ “xương cốt”, người biên kịch phải gia công rất nhiều để thêm da thịt. Chị cho biết, chị đã từng viết kịch bản phim về đề tài phụ nữ (Người đàn bà không hóa đá, Người đàn bà không chung thủy, Người đàn bà hư hỏng...) nhưng gặp trường hợp như người đàn bà trong Trăng nơi đáy giếng thì “khủng khiếp” quá! Ở đây, khi thần tượng sụp đổ, niềm tin chỉ còn là cái bóng trăng ở đáy giếng! Vì vậy, tác giả kịch bản phim đã phải xây dựng thêm nhân vật ông giáo Hà hàng xóm để nhen nhóm trong cô giáo Hạnh một tình yêu mới và cảnh lên đồng ở Điện Hòn Chén sẽ là một trong những cảnh hấp dẫn của phim. Kịch bản này đang được đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chuyển sang phân cảnh và hiện giờ vẫn chưa nhắm được ai cho hai vai chính.
Nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc thì khi vừa được đọc truyện ngắn đã thấy... giống mình, muốn ai chuyển thể sang sân khấu cho mình đóng. Nhưng rồi, chị nôn nóng không chờ được ai và tự mình viết kịch bản. Cũng như mình, chị thương nhân vật cô giáo Hạnh vì đã đặt niềm tin nhầm chỗ: Tưởng giếng sâu, ta nối sợi dây dài/ Dè đâu giếng cạn, ta tiếc hoài sợi dây. Theo chị, niềm tin ở đây không chỉ có trong quan hệ chồng vợ mà còn rất phù hợp cả trong công việc.
Sau Nguyễn Thị Minh Ngọc, nữ đạo diễn Ái Như cũng bắt gặp “cái mùi sân khấu” trong Trăng nơi đáy giếng. Sự nhạy cảm của một người phụ nữ gốc Huế đã cho chị hiểu thật thấu đáo cô giáo Hạnh. Ái Như đang hợp tác với Nguyễn Thị Minh Ngọc để hoàn chỉnh kịch bản, tính toán sao cho xung đột có trong từng màn, từng cảnh, để khán giả xem mà không chán! Vở kịch có thể sẽ mang tên Người chồng đáng kính và Ái Như đã chọn được hai diễn viên chính cho vở nhưng chị chưa muốn tiết lộ danh tánh, chỉ biết đó là hai nghệ sĩ tên tuổi, được khán giả của Sân khấu IDECAF yêu thích.
Bi kịch tình yêu Truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng kể chuyện về một đôi vợ chồng nhà giáo, yêu thương và chiều chuộng nhau hết mực. Người vợ bị mắc chứng vô sinh, vì quá yêu chồng, không muốn nhìn sắc mặt anh kém vui, đã chủ động giúp chồng có con với người khác. Có con rồi, để chồng khỏi bị mất chức vì “thiếu đạo đức”, người vợ lại hy sinh, cho chồng có hôn thú hợp pháp với người kia. Rồi, không thể đã ly dị lại tiếp tục sống chung với “chồng của người ta”, người vợ đem bán hết vàng bạc, mua cho chồng và người vợ mới một ngôi nhà. Người chồng, từ một người đàn ông vốn con nhà dòng dõi được cưng chiều từ bé, nho nhã, trắng trẻo, kỹ tính đến mức không dám cầm lấy quần áo lót của vợ... nay đã trở thành một người khác khi “ngồi bên vòi nước, đang lúi húi giặt một đống quần áo đủ loại, đánh đánh, chà chà trên mặt xi măng...” khiến cho người vợ cũ nhìn anh không khỏi chạnh lòng. Nhưng cú đánh “nốc ao” người vợ là khi chị bất ngờ phát hiện ra rằng “họ” đã tằng tịu với nhau trước cả khi chị có ý sắp đặt quan hệ ấy cho chồng mình!
Bình luận (0)