“Chưa thấy HCVL nào đông như thế”
Sau lễ khai mạc, có gần 10.000 người tập trung vào khu vực trung tâm của hội chợ. Gian hàng của các đơn vị DVVL trở nên quá tải vì dòng người chen chúc xem thông tin tuyển dụng. Đến 10 giờ sáng, 53 gian hàng đã phát ra 5.000 phiếu tuyển dụng. Chưa đầy một giờ sau, con số này tăng lên gấp đôi. Điển hình như Công ty Metro Cash & Carry có số phát ra khá cao với 2.000 phiếu, thu vào 700 phiếu. Chi nhánh DVVL Q.5 phát ra 1.352 phiếu, thu vào 725 phiếu. Đặc biệt, Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân lực L&A phát ra 3.000 phiếu, giữ kỷ lục trong buổi sáng.
Tại khu vực Siêu thị Việc làm, tình trạng quá tải đã diễn ra liên tục và kéo dài suốt cả ngày. 57 bàn tuyển dụng hoạt động hết công suất vẫn không thể giải quyết nhu cầu tìm việc làm cùng lúc của hàng ngàn người. Một bạn nữ mồ hôi nhễ nhại, vừa “thoát” ra khỏi đám đông, than: “Chưa thấy HCVL nào đông thế này!”.
“Mặc dù nhận thức đây là HCVL có quy mô toàn TP lớn nhất từ trước đến nay, song các DN cũng không lường trước được lượng người tìm việc đổ về hội chợ quá nhiều”. Bà Hồ Thị Nhật Minh - Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Thái Quang đã cho biết như vậy.
Hình thành thế hợp tác khu vực trong XKLĐ
Trong khuôn khổ của hội chợ, chương trình giao lưu với các tỉnh khu vực phía Nam diễn ra trong không khí sôi nổi. Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH các tỉnh cùng các trung tâm DVVL đã phản ảnh về thị trường lao động ở tỉnh nhà cũng như trao đổi kinh nghiệm đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Ông Châu Văn Rỡ, Trưởng Phòng LĐVL Sở LĐ-TB-XH tỉnh Long An, tha thiết: “Dân số Long An hiện có trên 1,3 triệu, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 45.000. Nhưng tỉnh chỉ có thể giải quyết được 30.000 lao động, còn 15.000 xin nhờ Ban Tổ chức hội chợ và các tỉnh bạn hỗ trợ”.
Theo các đại biểu, đa số lao động ở tỉnh không có tay nghề, trình độ văn hóa thấp nên việc giải quyết việc làm cho họ cũng gặp nhiều khó khăn. Hướng giải quyết chung là đào tạo lại để đưa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Bà Nguyễn Kim Lý – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM - cũng cho biết hiện đơn đặt hàng của các nước rất nhiều nhưng nguồn tuyển lại hạn chế. TP rất mong được các tỉnh hỗ trợ nguồn nhân lực có chất lượng để XKLĐ và nên ưu tiên giải quyết cho các hộ gia đình trong diện xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL Bến Lức, Long An góp ý: “Điểm khó khăn nhất khiến NLĐ không đi XKLĐ được là do tiền thế chân quá cao, vì vậy các cơ quan chức năng cần hỗ trợ thêm cho NLĐ”. Ông Nguyễn Hải Châu, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bến Tre, đề nghị: “Các đơn vị XKLĐ nên tạo điều kiện cho NLĐ trả phí thế chân bằng cách trừ dần vào khoản lương hàng tháng. Chúng tôi cũng mong được các đơn vị hỗ trợ thêm thông tin về thị trường XKLĐ”.
Một vấn đề khác được đề cập tại chương trình này là các doanh nghiệp ngành may hiện đang đau đầu vì không tuyển được người trong khi lao động phổ thông dôi dư ở các tỉnh lại rất nhiều. Lý giải cho vấn đề này, đại biểu các tỉnh cũng cho rằng lao động ngành may bị bạc bẽo nhiều về tất cả: điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, cơ hội được giao lưu với xã hội... Đặc biệt tình trạng bị bóc lột sức lao động khá phổ biến trong khi công việc lại không ổn định. Nên các DN ngành may cũng cần nên xem lại những chế độ, chính sách của mình dành cho người lao động.
Bình luận (0)