xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếng hát từ Langbian

Nhất Hùng

Ngôi làng Bonneur B nhỏ bé ở chân núi Langbian mới được biết đến như một địa danh kỳ lạ, đã sản sinh một lúc nhiều giọng ca đã và đang được công chúng biết đến. Một ngôi làng mà cha ông họ đã từng đón tiếp người khai sinh ra Đà Lạt: A. Yersin

Khoảng cuối tháng 10-2002 khi nghe tin Bonneur Trinh - người dân tộc Lạch trên cao nguyên Langbian đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM, già làng Panting Bố, 65 tuổi, ở cùng quê với cô ca sĩ trẻ này hào hứng nói: “Ở đây còn nhiều người ca hay như Bonneur Trinh lắm”...!

Nơi A. Yersin từng đến uống rượu cần.- Gần đúng một năm sau, cũng từ buôn làng này, hai dì cháu Kraran Út và Cil Pơi đã vượt gần 6.000 thí sinh trong cả nước để vào dự đêm chung kết Giải Sao Mai 2003 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại đảo Tuần Châu - Quảng Ninh. Những tưởng một làng mà có tới ba giọng hát như ba con sơn ca là rất hiếm. Nhưng khi trò chuyện với tôi, Krazan Pline, đội trưởng đội cồng chiêng “Những người bạn Langbian” - tác giả nhạc phẩm Langbian S’ning (Suy tư Lang bian) mang âm hưởng dân ca Lạch và đậm dấu ấn của núi rừng Tây Nguyên được Bonneur Trinh biểu diễn thành công trong đêm chung kết cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TPHCM 2002, lại nói: “Các giọng ca đó chưa phải là những giọng ca hay nhất ở buôn làng này”... Tôi hiểu, không phải bỗng dưng mà Krazan Pline lại nói vậy!

Nằm dưới chân núi Langbian huyền thoại, đồng bào dân tộc Lạch sống tập trung ở các buôn B’nơ, buôn Đăng Gia và buôn Đưng với gần 500 hộ và 7.000 nhân khẩu ở xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Tổ tiên của họ cũng là những cư dân bản địa đầu tiên trên cao nguyên Langbian gặp gỡ và đón tiếp bác sĩ A. Yersin trong hành trình khám phá vùng cao nguyên xinh đẹp này vào ngày 21-6-1893. Và giây phút lịch sử đó được bác sĩ A.Yersin ghi lại: “... Dân cư trong vùng thưa thớt. Vài làng người Lạch sống tập trung dưới chân núi Langbian. Họ làm ruộng lúa rất tốt và rất hiếu khách. Chúng tôi được tiếp đón trong nhà chung tại buôn Đăng Gia. Các chức sắc mang đến sáu ché rượu cần. Rất may, họ không đòi hỏi tôi uống lần đầu hết tất cả...”.

Âm nhạc lưu truyền từ trong máu.- Sống giữa núi rừng đại ngàn, cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác trên Tây Nguyên, từ bao đời nay người Lạch rất thích âm nhạc. Họ cất tiếng hát khi ru con, giã gạo, phát nương làm rẫy, đi rừng, múa, sinh hoạt gia đình, dòng tộc, giao lưu bè bạn... với những câu hát ngắn, lặp đi lặp lại nhiều lần để diễn tả niềm vui, nỗi buồn... Đặc biệt, theo nhạc sĩ Krazan Dick, Phó Trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng, người Lạch rất đam mê và nhạy cảm với âm nhạc. Rất nhiều người xem âm nhạc như là một nhu cầu tự nhiên như ăn uống, hít thở vậy. Thường khi thấy người lớn quây quần ca hát thì đám trẻ con trong làng bắt chước hát theo được ngay nên có thể nói cả làng ai cũng biết hát và rất thích hát, bất kể già trẻ, nam nữ. Cứ thế, nếu ai có may mắn có được chất giọng tốt, có ý hướng vào “con đường ca hát” sẽ tự rèn luyện để có thể trở thành “ca sĩ” của buôn làng, của xã, trường học, của huyện hoặc nếu có cơ may sẽ thành ca sĩ chuyên nghiệp của tỉnh và... xa hơn nữa. Như ngày xưa mỗi lần lên rẫy lúa đuổi chim, cậu bé Krazan Dick thường cất tiếng hát khỏe khoắn vang cả núi rừng khiến “chúa sơn lâm” cũng tỉnh giấc. Riết rồi ca hát thành niềm đam mê cộng với giọng ca trời phú khá tuyệt vời và được một số nghệ nhân trong làng “truyền nghề” nên khi vừa tròn tuổi 22 (1984) Krazan Dick trở thành ca sĩ chuyên nghiệp nổi tiếng ở Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng. Hiện nay anh vừa là cán bộ quản lý, vừa là ca sĩ, tự mày mò nghiên cứu và sáng tác các ca khúc mang âm hưởng dân ca Lạch và các dân tộc thiểu số khác ở Nam Tây Nguyên như các tác phẩm Huyền thoại Langbian, Từ lời ru núi mẹ...

Kỷ niệm: Bonneur Trinh: “Dù đi đâu làm gì, tôi cũng luôn nhớ về ngôi làng Bonneur B nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tuổi thơ tôi êm đềm với những buổi trưa hè cùng bạn bè tắm sông, đuổi bắt đàn chim ri vào những mùa lúa trổ, nhẩm hát theo cha khi hai cha con đi trên bờ mương vào những buổi chiều mù sương”

Không có “duyên may như Krazan Dick, Bonneur Trinh tuy có giọng ca bẩm sinh rất ngọt, đẹp tự nhiên lại có niềm đam mê ca hát rất mãnh liệt nhưng cũng phải chịu cảnh “bầm dập” trong một thời gian dài rồi mới tìm được lối đi theo mơ ước như hiện nay. Tương tự, từ gần 20 năm qua dù cuộc sống còn rất khó khăn vùng đất này vẫn luôn có những giọng hát tuyệt vời khiến giới ca nhạc ở Lâm Đồng và các nơi khác chú ý như Cil Glé, Panting Sally, Panting Ben Ziên, Krazan Pline, Krezan Drim, Krazan Doan, Krazan Dsoon... Nhiều người khi “tan cuộc” lại trở về với buôn làng, nương rẫy, với khung dệt thổ cẩm và núi rừng thân quen và khi rảnh rỗi bên ché rượu cần họ lại “truyền nghề” cho lớp con cháu. Và thực tế là đã có nhiều người thành đạt từ các “lớp học” này như Cil Trinh (Bonneur Trinh), Cil Pơi, Krazan Út và còn khoảng 10 người khác đang được đào tạo ở các trường nghệ thuật trong nước.

Ăn bảy con ve để có giọng hát hay.- Quả thật, dẫu tôi là người “ngoại đạo”, chưa có dịp đi lại nhiều nơi nhưng có thể nói một vùng hẻo lánh mà lại sản sinh được nhiều ca sĩ như vậy là điều hiếm thấy. Nhạc sĩ Krazan Dick nói sở dĩ ở đây có nhiều giọng hát hay là do di truyền từ dòng họ, sự đam mê ca hát và một phần là do nhiều người phải thường xuyên la, hú í ới... để gọi nhau khi đi trong rừng nên thanh đới của họ rất khỏe. Còn Krazan Pline từng là giọng ca “đinh” của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Lâm Đồng lại “bật mí” một chi tiết mà theo anh là chưa ai biết. Anh kể: “Trước đây ông nội tôi (đã mất năm 1985) từng là giọng ca hay nhất của làng. Ông bảo muốn có giọng hát khỏe, hay thì phải ăn bảy con ve rừng vì tiếng kêu của nó rất vang và rất sâu. Nghe vậy, bố tôi đã tìm bắt bảy con ve đem nướng cho tôi ăn khi còn là một chú bé nên sau này giọng hát của tôi rất khỏe, rất vang...”.

Mặt trời khuất lần sau đỉnh núi Langbian. Pline mời tôi ở lại cùng chung vui đêm văn nghệ cồng chiêng với du khách. Đêm cao nguyên lành lạnh  nhưng lữ khách vẫn cảm thấy lâng lâng bên ánh lửa hồng giữa ngôi nhà sàn dài, rộng, bên các “sơn nữ” đang múa hát theo điệu nhạc truyền thống và các làn điệu dân ca Lạch. Đêm văn nghệ cồng chiêng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng lữ khách và nó còn mang ý nghĩa hòa quyện giữa sinh tồn và bảo tồn của người Lạch bản địa. Và tôi tin từ “bệ phóng” này, mai kia sẽ có nhiều giọng hát trong những đêm văn nghệ cồng chiêng này vượt buôn làng để như những con sơn ca vút lên lời ca mang đậm giai điệu núi rừng Langbian đến với muôn phương như Cil Trinh, Cil Pơi và Krazan Út.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo