Tiền đạo sẽ mở đầu cho đoàn ngự đạo hồi cung với 2 voi dẫn đầu, sau đó là trung đạo và hậu đạo. Trong các đạo đều có các hoàng thân quốc thích, võ quan, văn quan, các chỉ huy như thống chế, đô thống... cùng dàn chiêng, trống, đại nhạc, nhã nhạc, đội múa Bát Dật. Ông Nguyễn Đình Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hoá - thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng ban điều hành cho biết, bắt đầu từ festival này, lễ hội Nam Giao sẽ trở thành chương trình cố định của các Festival Huế như chương trình khai mạc và bế mạc.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành, Tổng đạo diễn, lễ hội có kịch bản hoàn chỉnh và chi tiết nhất từ đạo cụ, âm nhạc và múa. Để hoàn thành kịch bản, Ban tư vấn, với sự có mặt của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế như Nguyễn Đắc Xuân, Phan Thuận An, Vĩnh Cao, Trần Đại Vinh và Nguyễn Xuân Hoa đã có nhiều buổi gặp gỡ, thảo luận. Trong hơn hai tháng, họ đã xem hơn 100 tư liệu ảnh, hàng trăm trang viết và 1 cuốn phim tư liệu về lễ hội dài 7 phút.
Lễ tế Nam Giao thời Nguyễn có hệ thống nghi thức rất long trọng, quy trình nghiêm ngặt. Đám rước đầu tiên rước vua từ Đại Nội lên Trai Cung, gọi là Ngự đạo (có từ 1.000 đến 5.000 tùy tùng). Đoàn Ngự đạo lại được chia ba phần: tiền đạo, trung đạo và hậu đạo. Từ tiền đạo đến hậu đạo có hàng trăm loại cờ lễ, tàng, lọng, kiếm quạt, đèn hoa tạo thành một lễ hội hoành tráng, rực rỡ. Sau lễ tế, đoàn Ngự đạo hồi cung trong tiếng nhạc rộn ràng, uy nghi và trang nhã. Những bản Đại nhạc, Nhã nhạc được trình tấu, 128 vũ sinh trong trang phục của điệu Bát Dật diễu hành trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Đây cũng là phần được ban tổ chức Festival Huế 2004 chọn để phục dựng.
Ban tổ chức Festival và tỉnh Thừa Thiên-Huế đang dự định làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Lễ hội Nam Giao là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bình luận (0)