Những người có trách nhiệm cùng với tác giả, nghệ sĩ đã và đang tìm những biện pháp hữu hiệu đưa cải lương ra khỏi khủng hoảng. Năm 2002, cải lương sẽ chuyển mình theo chiều hướng tích cực, cho phép chúng ta hy vọng vào một cuộc lột xác, từ bỏ cách nghĩ, cách làm xưa cũ, lỗi thời không phù hợp với hiện thực phong phú, sôi động hôm nay để hồi sinh.
Sẽ có kịch bản mới
Có thể tin vào đội ngũ sáng tác hiện nay bởi người viết đã nhìn thấy sự cần thiết của việc bám sát hiện thực, để tạo nguồn cảm hứng sáng tạo và sự thiếu hụt về kỹ thuật biên kịch. Qua lớp “Bồi dưỡng kiến thức cho tác giả trẻ” do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, các tác giả được cung cấp khá đầy đủ về kiến thức và kinh nghiệm sáng tác của những người làm sân khấu dày dạn kinh nghiệm. Và cũng qua học tập, người viết có thêm nhiệt huyết và quyết tâm sáng tác.
Nghệ sĩ không thúc thủ
Tình trạng vắng khách không làm nản lòng các nghệ sĩ cải lương. Nhà hát Trần Hữu Trang đã có những bước đi năng nổ theo xu hướng xã hội hóa tạo đất hoạt động cho các nghệ sĩ có tâm huyết. Vở Nụ cười chị tôi của Thanh Kim Huệ do Thanh Điền đạo diễn tuy chưa thực ưng ý lắm, nhưng là bước khởi đầu cho thời gian sắp tới.
Mặt khác, hoạt động cải lương sẽ tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ trẻ có điều kiện để khẳng định mình. Với sự chăm chút của những người đi trước và những biện pháp bồi dưỡng, đào tạo nhằm cải tiến quy trình dựng vở áp dụng cho các nghệ sĩ trẻ, sân khấu cải lương sẽ thoát ra khỏi thực trạng hiện nay.
Những nét lạc quan
Năm 2002, Chi hội Đạo diễn sẽ ra mắt và hoạt động. Sự cần thiết của việc thành lập chi hội này sẽ được khẳng định qua hoạt động dàn dựng nhằm trả lại cho sân khấu cải lương những giá trị nghệ thuật, tư tưởng và thẩm mỹ vốn có của nó. Vai trò và vị trí của nghệ thuật đạo diễn sẽ được coi trọng trong quy trình sáng tạo.
Trong khi đó, hội thảo về sân khấu cải lương đã được chuẩn bị từ lâu và tương đối cẩn trọng sẽ tổ chức trong năm 2002. Đây sẽ là diễn đàn định hướng cho sân khấu cải lương đến với công chúng. Có thể có nhiều vấn đề còn tranh luận, nhưng ý nghĩa tích cực của việc làm này sẽ được phát huy về phương diện lý luận lẫn thực hành. Riêng CLB Sân khấu nhỏ sẽ hoạt động tích cực hơn và khác với cách đã làm trong năm qua chưa thu hút được công chúng. Do vậy, đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động là cần thiết. Đây sẽ là nơi thử nghiệm những ý tưởng mới, những tìm tòi mới của tác giả và nghệ sĩ để từ những kết quả tích cực của nó, nhân rộng ra các sân khấu khác.
Tiềm lực ngầm của cải lương
Nhìn bề ngoài, bề nổi có cảm giác sân khấu cải lương có vẻ đìu hiu, thưa vắng... nhưng bề sâu của đời sống sân khấu, ta cảm thấy một tiềm lực ngầm vẫn chuyển động và hứa hẹn một sự đột phá trong tương lai. Sự sống của một loại hình nghệ thuật không thể lúc nào cũng êm ả. Nó có thể lên, xuống, chìm, nổi theo dòng đời nhưng nó vẫn là sự sống. Vấn đề là con người, trong đó các nghệ sĩ sẽ thúc đẩy sân khấu đi lên bằng cách nào? Nói sân khấu cải lương là sân khấu hy vọng, là như vậy.
Bình luận (0)