Đối với các model mới, nhà sản xuất đương nhiên phải có một thời gian hoạt động thử nghiệm. Tuy nhiên, dù sau thời gian thử nghiệm, sản phẩm được đánh giá là hoạt động tốt, nhà sản xuất cũng chưa phải đã có thể kết luận 100% sản phẩm đã thật sự hoàn hảo. (Thực tế đã có nhiều sản phẩm phải thu hồi sau một thời gian tung ra thị trường, vì phát hiện ra những khiếm khuyết). Giai đoạn đầu tung sản phẩm ra thị trường cũng còn là giai đoạn thử nghiệm để đánh giá sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, trong thời gian đầu, sử dụng sản phẩm có bảo hành, nếu xài “cưng” sản phẩm mới, khả năng những khiếm khuyết trong thiết kế và chế tạo của sản phẩm sẽ chậm bộc lộ nhưng sau đó sẽ hư hỏng ngay sau khi hết thời gian bảo hành. Lúc đó, thay vì nhà sản xuất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm thì thiệt hại lại rơi vào người tiêu dùng.
Một số tài liệu kỹ thuật cho biết, dù một sản phẩm được đánh giá là hoàn hảo, thì giai đoạn dễ hư hỏng nhất là giai đoạn sản phẩm mới xuất xưởng. Tuy những thống kê cụ thể có khác nhau, nhưng nhìn chung, đồ thị biểu diễn số lượng sản phẩm hư hỏng đều lên rất cao ở vài ngàn giờ sử dụng đầu tiên, sau đó giảm xuống và kéo dài trong một thời gian sử dụng ổn định, trước khi sản phẩm bị lão hóa. Sử dụng “cưng” các sản phẩm mới khui thùng là có thể đẩy giai đoạn hư hỏng cao điểm ban đầu ra sau giai đoạn bảo hành, rất bất lợi cho người tiêu dùng.
Trong thời gian bảo hành, nếu phát hiện sản phẩm có biểu hiện bất thường, nhưng chưa rõ ràng, thí dụ tivi đột ngột chớp tắt, hiện sọc trắng trong vài giây, hoặc thoáng mất màu rồi có màu trở lại, thì nên tăng thời gian sử dụng nhiều hơn nữa và có thể vỗ nhẹ lên sản phẩm để xem các chấn động nhẹ có gây ra các hiện tượng bất thường cho sản phẩm không. Rất có thể các linh kiện chỉ hư hỏng khi máy đã nóng lên, mà nếu dùng ít ta không phát hiện được.
Cũng nhằm mục tiêu “thử thách” sản phẩm điện tử như đã nói ở trên, cần sử dụng hết các chức năng của sản phẩm với mức cao nhất ngay từ khi mua về.
Bình luận (0)