Đây là kết quả của một cuộc khảo sát do các chuyên gia Phân viện Nghiên cứu khoa học Bảo hộ lao động tại TPHCM thực hiện, nhằm xác định những yếu tố phát sinh về sức khỏe của công nhân lao động (CNLĐ) trong quá trình tự động hóa thiết bị sản xuất. Theo phân tích của giáo sư Võ Hưng và kỹ sư Võ Văn Mai thì trong quá trình doanh nghiệp tự động hóa thiết bị sản xuất, CNLĐ đã giảm được tiêu hao năng lượng trong một số công việc. Nhưng để đáp ứng được hoạt động dây chuyền thì CNLĐ trong một số phần công việc đã phải đối diện với tần số thao tác cao, động tác lặp đi lặp lại nhiều, công việc kéo dài liên tục trong nhiều ngày tháng đã để lại hậu quả xấu cho cơ thể. Đó là những phần công việc mà thường người lao động chỉ phải sử dụng một số nhóm cơ nhất định như ngón tay, bàn tay, khuỷu và cánh tay, đai vai và cổ, thắt lưng và đai hông, thường gặp trong các cơ sở sản xuất bao bì, đóng gói, may mặc, chế biến thủy sản v.v... Khi các nhóm cơ được sử dụng liên tục với cường độ cao sẽ rơi vào tình trạng quá tải, kết hợp với một số nhóm cơ khác bị chèn ép do tư thế ngồi hoặc đứng liên tục trong ca, dẫn tới các rối loạn cơ-xương-khớp tích lũy dần theo thời gian. Các triệu chứng thường bắt đầu bằng viêm dây thần kinh chạy dọc theo các ống xương, các khớp rồi đến nhức nhối từng bộ phận, đau đớn khi vận hành với các dạng như viêm cơ, viêm gân, viêm bao gân, thoái hóa cột sống. Điều này phù hợp với các dấu hiệu cơ năng sau lao động phản ánh qua kết quả phỏng vấn ngẫu nhiên 230 nam CN và 246 nữ CN, với kết quả 45%- 52% bị mắc ít nhất là một trong các chứng uể oải, nặng đầu, căng thẳng, khó suy nghĩ, khó tiếp thu, đau thắt lưng, đau vai, gáy. Tỉ lệ này ở nữ CN lên đến 63%-76%. Ở nữ CN, các dấu hiệu cơ năng như đau thắt lưng, vai, gáy đều chiếm từ 72%-76%.
Trong 5 loại bệnh tiêu biểu điển hình cho cơ - xương - khớp, gồm: Rối loạn cơ xương, viêm da khớp dạng thấp, thoái hóa thắt lưng, thoái hóa cổ, loãng xương, thì hiện hai loại rối loạn cơ xương và thoái hóa thắt lưng là gia tăng rất rõ ràng qua từng năm, ở nữ CN luôn cao hơn hẳn năm CN. Chẳng hạn với kết quả đo năm 2000 về thoái hóa thắt lưng ở nam CN (18 - 50 tuổi) chỉ 8,53% thì ở nữ CN là 10,43%. Đến năm 2001 ở nam CN là 9,95% thì ở nữ CN là 12,32%. |
Bệnh Gout: Chẩn đoán nhầm, điều trị sai trở thành nan y
Hình ảnh đáng buồn mà chúng tôi đăng kèm theo bài viết này là tình trạng của một bệnh nhân Gout toàn thân, đến điều trị tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Đây là một trong những bằng chứng cho tình trạng chẩn đoán và điều trị bệnh Gout không hợp lý đang quá phổ biến mà Khoa Nội cơ xương khớp của BV Chợ Rẫy vừa lên tiếng cảnh báo.
Tại Khoa Nội khớp của BV Chợ Rẫy, bệnh Gout hiện đã nằm trong danh sách của 3 loại bệnh khớp thường gặp nhất (2 bệnh nữa là thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp). Thêm nữa, nếu như những ghi nhận trước đây đều chỉ thấy bệnh này xuất hiện trên 90% ở nam giới, đặc biệt ở nam giới có mức sống cao, nếu xuất hiện ở nữ giới thì chỉ thấy ở tuổi trên 60, thì hiện nay lại thấy xuất hiện ở nam giới có mức sống thấp và cũng không ít ở giới nữ. Đặc biệt mới đây khoa này đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 15 tuổi nhưng đã bị Gout toàn thân 5 năm nay.
Tuy nhiên, việc gia tăng nhanh chóng số lượng bệnh nhân bệnh Gout, theo các chuyên gia về khớp của BV Chợ Rẫy, vẫn chưa đáng báo động bằng tình trạng quá phổ biến bệnh nhân trước khi đến BV Chợ Rẫy đã bị chẩn đoán và điều trị sai. Qua phân tích 214 bệnh nhân ngẫu nhiên đã điều trị tại BV Chợ Rẫy cho thấy, mặc dù có tới 85,8% bệnh nhân có các triệu chứng điển hình nhưng hầu như tất cả đều đã phải điều trị lâu dài qua 3-5 cơ sở y tế mà vẫn không giải quyết được, do bị chẩn đoán nhầm các bệnh như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do vi trùng v.v... Cũng vì vậy, bệnh nhân khi đến BV Chợ Rẫy đều đã ở trong tình trạng phải điều trị khó khăn, tốn kém như đối với bệnh nhân mang bệnh nan y, thậm chí tử vong.
Theo tiến sĩ Lê Anh Thư - Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp BV Chợ Rẫy thì thực tế bệnh Gout không phải là bệnh khó chữa, không khó chẩn đoán và cũng không cần tới các xét nghiệm đắt tiền. Hiện nay tại BV Chợ Rẫy đã đảm bảo giải quyết tốt việc cắt cơn cho bệnh nhân, nếu bệnh nhân không thuộc diện dị ứng với các thuốc điều trị Gout và lưu ý tới các triệu chứng để đến điều trị sớm. Tuy nhiên đối với bệnh này dù đã điều trị cắt cơn thì người bệnh vẫn phải tuân thủ một chế độ ăn uống thích hợp và uống thuốc suốt đời để giữ cho cơ thể không bị rơi vào tình trạng rối loạn Purine. Vì vậy, khi có các triệu chứng điển hình đã nêu thì người bệnh cần đến ngay Khoa Nội cơ xương khớp của BV Chợ Rẫy hoặc liên hệ với chuyên gia về khớp để được tư vấn. S.N
3 triệu chứng điển hình của bệnh Gout 1. Có những cơn viêm cấp, sưng, nóng, tấy đỏ, rất đau ở một khớp, thường bắt đầu là khớp ngón chân cái. 2. Cơn viêm cấp tái đi tái lại nhiều lần. 3. Cơn đau xảy ra đột ngột và thường xuất hiện nửa đêm về sáng. Có lúc tự hết một thời gian rồi bất ngờ xuất hiện lại. |
Bình luận (0)