Số người học nghề tăng đều hàng năm Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, trong hệ thống các trường dạy nghề NCL, ở hệ ngắn hạn, kết quả đào tạo tăng đều hàng năm, từ 33.304 người năm 2000, tăng lên 42.338 người vào năm 2002 và 46.074 người vào năm 2003 (theo kế hoạch). Bảo đảm cung ứng 30% lao động qua đào tạo nghề trong chỉ tiêu đào tạo nghề của TP.
Tùy theo ngành nghề, lãnh vực, địa bàn, nhu cầu của thị trường mà mỗi trường, cơ sở tự chọn cho mình hướng đi phù hợp. Trường Nghiệp vụ Kỹ thuật MTC chọn hướng đi liên kết với các doanh nghiệp (DN) đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ lao động từ nhân viên quản lý, phó trưởng phòng đến quản đốc, giám đốc. Trường Dạy nghề Dân lập Kim hoàn Việt Nam đi sâu đào tạo theo “đơn đặt hàng” cung ứng trực tiếp thợ kim hoàn cho DN. 95% trong tổng số trên 300 học viên/năm tốt nghiệp hệ ngắn hạn các nghề được trường bảo đảm chỗ làm.
Trong danh sách các trường được coi là “ăn nên làm ra” của Sở LĐ-TB-XH, điển hình có Trường Tin học Huy Hoàng, mỗi năm đào tạo tin học văn phòng cho hàng ngàn lượt người, từ sinh viên - học sinh đến cán bộ công chức, nhân viên DN, người lao động tìm việc. Ở nhóm đối tượng đào tạo thấp hơn, mạng lưới cơ sở dạy nghề tư nhân, cơ sở dạy nghề thành lập theo Luật DN phát triển mạnh quanh các KCX, KCN. Theo các số liệu chưa đầy đủ, ước tính trên 50% công nhân, lao động có trình độ sơ cấp kỹ thuật trước khi vào các KCX, KCN làm việc đã qua các khóa đào tạo ngắn hạn, cấp tốc 1, 2, hoặc 6 tháng từ những cơ sở dạy nghề này... Ông Võ Phước Nguyện cho biết các trường, cơ sở ngoài công lập rất năng động, đào tạo theo nhu cầu thị trường, DN cần cái gì, đáp ứng ngay cái đó.
Chất lượng được tín nhiệm
Trong năm 2002 và 2003, 13 trường thuộc hệ thống dạy nghề ngoài công lập của TPHCM tuyển được 4.981 học viên hệ chính quy công nhân kỹ thuật. Kết quả đào tạo của các trường trên chỉ đáp ứng 10% chỉ tiêu đào tạo hàng năm của TPHCM, nhưng chất lượng đào tạo được DN tín nhiệm. Điển hình nhất là Trường Kỹ thuật Luyện kim Sài Gòn. Ông Nguyễn Ngọc Thi, cán bộ nhà trường, cho biết trong năm 2001 và 2002, 280 học viên các nghề đúc, luyện kim ra trường đều được các công ty lớn như Thép Bomina, Việt Hàn, Thép Miền Nam... nhận vào làm việc. Ngoài đào tạo tại chỗ, các hình thức liên kết đào tạo, nâng bậc thợ công nhân cho DN luôn được các trường chú trọng. Cũng tại Trường Kỹ thuật Luyện kim Sài Gòn, mỗi năm liên kết với DN nâng bậc thợ cho hàng ngàn lao động, trong đó chỉ riêng Công ty Thép Miền Nam, trong năm 2002 đã được trường đào tạo nâng bậc thợ cho 1.000 công nhân.
Chưa được quan tâm đúng mức
Xã hội hóa dạy nghề không thể xem nhẹ vị trí, vai trò của hệ thống dạy nghề ngoài công lập. Tuy nhiên, theo ông Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cái khó hiện nay là ngoài Trường Nghiệp vụ Du lịch Sài Gòn và một số trường 100% vốn nước ngoài, hầu hết các trường, cơ sở dạy nghề ngoài công lập đều đang gặp khó khăn do phải thuê mướn mặt bằng, thường xuyên di dời, ảnh hưởng đến hoạt động tuyển sinh, đào tạo. Trong khi đó, các trường, cơ sở cho biết Nhà nước chưa có quỹ đất riêng dành cho dạy nghề, chính sách giảm giá thuê mặt bằng cũng không có. Bàn về chính sách hỗ trợ, ông Võ Sáng Nghiệp, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ kỹ thuật MTC, bức xúc: “Nói hoài nhưng có thay đổi gì đâu”. Theo ông Nghiệp, đi đâu cũng nghe nói đến xã hội hóa dạy nghề. Nhưng “xã hội hoá” như thế nào, Nhà nước đóng góp bao nhiêu, dân bao nhiêu, chính sách hỗ trợ ra sao, miễn giảm thuế như thế nào... thì không có cái gì cụ thể. Điều mà ông Nghiệp lưu ý là cho đến nay vẫn chưa có Luật Dạy nghề, cơ chế hoạt động của dạy nghề ngoài công lập không có quy định rõ ràng, còn nặng phân biệt đối xử về chính sách.
Ông Nguyễn Ngọc Thi nhấn mạnh thêm, các cơ sở, trường trong hệ thống dạy nghề công lập không những được Nhà nước cấp kinh phí, được hưởng các dự án tài trợ, miễn thuế, trong khi hệ thống dạy nghề ngoài công lập không nhận được ưu tiên nào mà còn bị đánh thuế như một DN.
Bình luận (0)