xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống không chỉ cho riêng mình

NGỌC DUNG - MINH CHIẾN

“Nhiều người hỏi tôi tại sao không ở nước ngoài mà về Việt Nam? Tôi thì luôn đặt câu hỏi đối ngược: Vì sao không quay về quê hương mà phải ở lại xứ người?”.

Hơn 2 năm công tác tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội với vai trò là Chủ nhiệm Bộ môn Chính sách công, TS Lê Duy Anh ngày càng nhận ra việc anh lựa chọn trở về Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Vì khát vọng Việt Nam hùng cường

Năm 17 tuổi, khi đang học Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, Lê Duy Anh sang Anh du học. Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học phát triển ở ĐH Cambridge năm 2013, anh về nước và giảng dạy 1 năm tại Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2015, anh quay lại ĐH Cambridge tiếp tục học tiến sĩ và 4 năm sau bảo vệ luận án chuyên ngành Khoa học phát triển.

Luận án tiến sĩ ở ĐH Cambridge của Duy Anh đề cập vấn đề môi trường tại Việt Nam. Anh được làm việc với GS Peter Nolan, nhà khoa học nổi tiếng của ĐH Cambridge. "Vốn quan tâm đặc biệt tới các quốc gia đang phát triển, thầy là người tiếp thêm cảm hứng để tôi trở về Việt Nam" - anh nhớ lại.

Theo GS Peter Nolan, rất nhiều người giỏi trên thế giới đang cố gắng phục vụ 1% dân số là những người giàu. Chỉ cần 1% những người ưu tú ấy chọn phục vụ người nghèo - chiếm 50% dân số, thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Duy Anh cảm kích: "Lời thầy khiến tôi kiên định hơn về trách nhiệm và định hướng của mình. Với tôi, việc trở lại quê hương làm việc, cống hiến là điều tất yếu".

Về nước năm 2020, Duy Anh góp mặt tại Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam do Trung ương Đoàn tổ chức. "Diễn đàn là nơi chia sẻ về khát vọng Việt Nam hùng cường. Khát vọng đó thôi thúc tôi và nhiều người trẻ trở về, cùng góp sức vào sự phát triển của đất nước" - anh bày tỏ.

Sau đó, Duy Anh nhận được lời mời từ Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Hà Nội. Anh quyết định nhận lời và kỳ vọng những kiến thức được học ở ngôi trường danh tiếng nước Anh sẽ là tiền đề quan trọng để mình hoàn thành tốt công việc giảng dạy, nghiên cứu.

Lựa chọn về nước làm việc của Duy Anh càng ý nghĩa hơn khi đầu năm 2021, anh là 1 trong 10 thanh niên tiêu biểu được tham dự Đại hội XIII của Đảng với tư cách là nhân sĩ, trí thức. Anh tâm sự: "Tôi có một thời gian dài học tập ở nước ngoài và vừa trở về nước. Bởi vậy, tôi xác định bản thân cần có thêm thời gian để tôi luyện và cống hiến trong lĩnh vực mình gắn bó".

Sống không chỉ cho riêng mình- Ảnh 1.

Sau 12 năm học tập tại Anh, TS Lê Duy Anh quyết định trở về Việt Nam làm việc từ năm 2020. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà nghiên cứu xuất sắc

Một trong những mong muốn của TS Lê Duy Anh khi trở về nước là góp phần thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa Việt Nam với các quốc gia tiên tiến.

Tham gia giảng dạy ĐH, Duy Anh nhận xét sinh viên ngày nay đã có nhiều thay đổi. Họ tiếp cận tốt, nhanh nhạy với các phương pháp giáo dục mới. Anh hào hứng: "Tôi luôn cố gắng hết sức để chia sẻ với họ những kinh nghiệm và kiến thức đã học được".

Nhà nghiên cứu 34 tuổi cho hay anh rất quan tâm những vấn đề mà các quốc gia đang phát triển và các nước nghèo gặp phải, như: môi trường, y tế, giáo dục, công bằng xã hội, phát triển bền vững. Lĩnh vực chuyên môn của anh là phát triển bền vững, nước sạch, vệ sinh môi trường và kinh tế biển. Anh đã tham gia nhiều dự án về lĩnh vực này, như: Nghiên cứu hành vi gây ra rác thải nhựa đại dương tại các thành phố ven biển, nghiên cứu hành vi liên quan vệ sinh môi trường tại ĐBSCL…

Với chuyên ngành Khoa học phát triển và chuyên nghiên cứu về hành vi của con người tác động đến môi trường, Duy Anh đang thực hiện một số dự án, đề tài trong lĩnh vực này. Anh vừa hoàn thành dự án nghiên cứu rất tâm đắc về yếu tố quyết định hành vi sử dụng túi nhựa để phòng tránh ô nhiễm, rủi ro rác thải nhựa cho đại dương tại TP Đà Nẵng…

3 năm sau khi về nước, Duy Anh đã có 4 bài báo trên các tạp chí khoa học thuộc nhóm Q1. Năm 2022, anh được trao giải thưởng và bằng khen cho nhà nghiên cứu có thành tích xuất sắc của ĐHQG Hà Nội.

Còn hơn chuyện lương bổng, thu nhập

Sau 12 năm học tập tại Anh, với quan điểm sống không chỉ cho riêng mình, Lê Duy Anh quyết định trở về Việt Nam làm việc.

"Nhiều người hỏi tôi tại sao không ở lại Anh mà về nước. Tôi thì luôn đặt câu hỏi ngược lại: Vì sao không về nước mà phải ở lại? Ở lại nước ngoài, tôi có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và cuộc sống nhưng quay về là lựa chọn mặc định của tôi từ khi du học" - anh bộc bạch.

Trở về từ một nước phát triển, Duy Anh có cơ sở để so sánh, nhận xét về chính sách, cơ chế tuyển dụng nhân lực. Anh cho rằng môi trường làm việc ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, cởi mở hơn, tạo cơ hội và điều kiện nhiều hơn cho những người trẻ trở về thể hiện năng lực, thỏa sức sáng tạo.

Theo Duy Anh, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách thiết thực để thu hút du học sinh, nhà khoa học về nước làm việc. Anh nhận xét: "Trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế, các chính sách đãi ngộ chưa thể theo kịp các nước phát triển. Song, những người quay lại quê hương làm việc còn nhiều động lực khác thôi thúc họ hơn là chuyện lương bổng, thu nhập".

Duy Anh thổ lộ người làm khoa học không sợ khó, sợ khổ mà họ cần được ghi nhận một cách xứng đáng. "Ai cũng muốn sự công bằng, làm bao nhiêu được ghi nhận bấy nhiêu" - anh cho biết. Vì vậy, việc minh bạch về cơ chế, minh bạch trong đánh giá sự đóng góp, hiệu quả công việc là hết sức cần thiết.

Duy Anh cho rằng có nhiều yếu tố để thu hút nhân lực chất lượng cao trở về đóng góp cho đất nước. Trong đó, quan điểm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị rất quan trọng. Nếu có chung tiếng nói, suy nghĩ, mục tiêu với người đứng đầu thì những người trẻ tài năng có thể thẳng thắn chia sẻ tâm tư, nguyện vọng.

Riêng Trường ĐH Kinh tế Hà Nội những năm gần đây đã thu hút rất nhiều du học sinh từ các quốc gia tiên tiến về làm việc. Ban Giám hiệu thường tổ chức các cuộc họp với những giảng viên trẻ này để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ mục tiêu của nhà trường trong việc đóng góp cho giáo dục, nâng cao vị thế đất nước nói chung và vị thế nhà khoa học Việt Nam nói riêng.

Cơ sở hạ tầng nơi làm việc cũng đóng vai trò quan trọng thu hút người tài. Nhiều nơi, như Trường ĐH Kinh tế Hà Nội, đã cố gắng cung cấp môi trường làm việc tốt nhất có thể cho các nhà khoa học. "Những người từng nghiên cứu khoa học ở nước ngoài như chúng tôi đã quen với cơ sở hạ tầng tối tân. Khi về nước, chúng tôi ý thức mình phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện thực tế, bởi không thể đòi hỏi mọi thứ như mong muốn trong một sớm một chiều" - Duy Anh nhấn mạnh.

Duy Anh còn bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sớm có một trường đại học đẳng cấp khu vực và thế giới. "Đó là nơi các nhà khoa học trẻ sau khi học tập, nghiên cứu khắp nơi trên thế giới luôn muốn trở về cống hiến" - anh mong ước.

"Ở lại nước ngoài, tôi có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và cuộc sống nhưng quay về Việt Nam là lựa chọn mặc định của tôi từ khi du học". (TS Lê Duy Anh)


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo