xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ Nhân dân Lương Đống qua đời

Bài - ảnh: Thanh Hiệp

(NLĐO) - NSND, họa sĩ Lương Đống được xem là bậc thầy của ngành mỹ thuật sân khấu Việt Nam, người đã dành cả đời cho sự nghiệp thiết kế sân khấu. Ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ 45 phút ngày 28-9-2011, hưởng thọ 87 tuổi.

Linh cữu của NSND Lương Đống được quàn tại Nhà tang lễ TP, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu lúc 14 giờ ngày 28-9. Lễ động quan vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 30-9, an táng tại Nghĩa trang TP (TPHCM)
                      
Bắt đầu từ một đam mê
                                                                    
NSND Lương Đống tên thật Quách Lương Đống, sinh ngày 4-4-1924 tại xã Phước Long, huyện Hồng Dân - Cà Mau. Đam mê hội họa từ nhỏ, ông quyết chí thi vào Trường Mỹ thuật Gia Định và đã thành công.
 
img
NSND họa sĩ Lương Đống
             
Tốt nghiệp ra trường, ông đi vẽ cho một hãng buôn tư nhân được một năm thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Cũng giống bao thanh niên đương thời, họa sĩ lên đường tòng quân.
                                                               
Ở chiến khu, khi các đồng chí lãnh đạo biết ông có năng khiếu hội họa, lại tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định nên đã phân công ông làm họa sĩ trình bày tờ báo Độc lập. 
                                                       
Công tác tại cơ quan báo chí được hai năm, ông chuyển sang Sở Công an Nam bộ suốt thời kỳ chống Pháp. 
                                                                              
Trong giai đoạn này, nghề họa sĩ giúp ông nhiều lần chạm tới ước mơ, đó là tham gia thiết kế sân khấu cho một số vở cải lương, kịch nói do đạo diễn Chi Lăng, Ba Du dàn dựng.
 
Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, nhờ có đạo diễn Chi Lăng giới thiệu, ông được đồng chí Hà Huy Giáp - lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - điều từ ngành công an về Viện Nghiên cứu Mỹ thuật sân khấu cải lương thuộc Bộ Văn hóa. 
                                                                                                                                          
Nhờ có kiến thức về ngành mỹ thuật phương Tây, cộng với những thực tế được học và đúc kết qua quá trình thực hiện cảnh trí cho hơn 30 vở diễn thời đó, ông đã viết quyển sách Hệ thống lý luận cơ bản về Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam. 
                                      
Năm 1958, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, ông được mời là họa sĩ thiết kế sân khấu cho vở cải lương Nàng tiên Mẫu Đơn, do đạo diễn Chi Lăng dàn dựng. Vở này đoạt HCV và phần thiết kế mỹ thuật của ông cũng được trao giải vàng.
 
Từ đó về sau, mỗi mùa hội diễn, ông vinh dự là người họa sĩ có nhiều tác phẩm thiết kế mỹ thuật đoạt giải Vàng trong sự thán phục của đồng nghiệp trong cũng như ngoài nước.
       
Nâng bước chân nghệ sĩ Việt
                                                                    
Trong suốt thời gian ở miền Bắc, NSND Lương Đống đã thiết kế hơn 100 tác phẩm mỹ thuật cho cải lương, kịch nói, chèo, tuồng. Năm 1962, ông được Bộ Văn hóa giao phụ trách lớp nghiên cứu mỹ thuật sân khấu toàn miền Bắc. Năm 1964, ông được cử làm giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam.
                        
Sau ngày đất nước thống nhất, ông cùng với đạo diễn Chi Lăng gầy dựng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (năm 1975); 10 năm sau ông được cử làm giám đốc nhà hát này và tạo dấu ấn cho ngành mỹ thuật sân khấu với sự thiết kế vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại qua các tác phẩm Rạng Ngọc Côn Sơn, Hòn đảo thần vệ nữ, Tình yêu và lời đáp, Muôn dặm vì chồng, Chim Việt cành Nam…
                                                                    
Năm 1988, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. 
                 
img
NSND Lương Đống trong ngày nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng do Quận ủy quận 4 - TPHCM tổ chức
     
Dấu ấn mà NSND Lương Đống để lại cho sân khấu kịch Miền Nam đó là những tác phẩm thiết kế sân khấu được dàn dựng trên sân khấu quay Nhà hát Hòa Bình: Tình nghệ sĩ, Những thước phim đời, Chuyến tàu hoàng hôn… và trên sân khấu nhỏ 5B, thời còn là CLB Sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (tiền thân của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM ngày nay). Ông là người có công truyền đạt đến thế hệ đạo diễn, diễn viên trẻ trong việc tận dụng không gian khán phòng làm sàn diễn, biến sân khấu nhỏ thành không gian sáng tạo để diễn viên và khán giả cùng sống trong đó. 
 
Những tác phẩm Dư luận quần chúng, Con vịt mồi, Dạ cổ hoài lang, Giấc mộng kê vàng, Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà của chúng ta… đã cuốn hút khán giả không chỉ vì tài năng diễn xuất của “thế hệ vàng” sân khấu kịch TPHCM, như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Thanh Thủy, Hữu Châu… mà còn nhờ vào bàn tay “phù phép” trong thiết kế mỹ thuật sân khấu của họa sĩ-NSND Lương Đống.
                                                                                                   
Ông còn tạo dấu son cho sân khấu cải lương thể nghiệm qua các vở độc diễn của tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hồng Phúc và diễn viên NSƯT Bạch Tuyết như Diễn kịch một mình, Hoàng hậu hai vua, Độc thoại đêm, Lý Chiêu Hoàng… và sau này là Hồn thơ ngọc.
                                                                                                                            
Ở cuộc sống đời thường NSND Lương Đống sống giản dị, ông kết hôn với bà Thu, con gái của bà Nguyễn Thị Thập – Cán bộ phụ nữ miền Nam Việt Nam, người có công sáng lập Bảo tàng Phụ Nữ Nam Bộ. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND ngày 15-1-1993 và trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 2009.
                                                                                                                                     
Tác giả Lê Duy Hạnh, Phó chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, nói: “NSND Lương Đống là người đã góp phần nâng cao vị thế mỹ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam thông qua những tác phẩm của ông. Ông như một người thầy đáng kính của giới mỹ thuật sân khấu trẻ, luôn cần mẫn, khiêm tốn và tận tụy với nghề. Những năm sau này dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn luôn theo dõi tình hình sân khấu, quan tâm đến thế hệ họa sĩ kế thừa”.
     
Xin vĩnh biệt NSND Lương Đống, người họa sĩ tài hoa đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp của ngành mỹ thuật sân khấu Việt Nam.                  
Tháng 2-1984, NSND Lương Đống được bầu làm trưởng đoàn, dẫn đoàn nghệ sĩ TPHCM lưu diễn các nước Tây Âu vở Đời cô Lựu. Khán giả xem DVD đen trắng vở cải lương kinh điển này chắc chắn sẽ nhận biết ông – người đóng vai Hương Quản đến nhà bắt Võ Minh Thành – chồng của cô Lựu do NSND Thanh Tòng và NSƯT Bạch Tuyết diễn. Ông chỉ xuất hiện ngắn với lớp diễn đó nhưng đi đến đâu khán giả cũng nhận ra ông.
 
                  
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo