Bộ Y tế cho biết số bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong có xu hướng tăng. Trong hơn 1 tháng qua, có ngày nước ta ghi nhận tới 5 bệnh nhân tử vong. Số ca nặng dao động trong khoảng 120-190 ca. Riêng ngày 21-9, có thêm 2.287 ca mắc và 4 ca tử vong.
Đồng nhiễm COVID-19 và sốt xuất huyết
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (cơ sở 2), số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị khoảng 150 ca/ngày, trong đó có nhiều trường hợp rất nặng được chuyển đến từ các cơ sở y tế tuyến dưới.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, khoa hiện có hơn 40 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại khoa, trong số này hơn 20 ca nặng, nguy kịch phải thở máy; số còn lại được can thiệp ôxy các mức. Đáng chú ý, có khoảng 20% bệnh nhân nặng, nguy kịch chưa từng tiêm vắc-xin COVID-19, chủ yếu rơi vào các ca cao tuổi, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV, bệnh nền... "Nếu thời điểm tháng 6 và 7, mỗi ngày Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận từ 5-7 ca nặng thì những ngày gần đây, con số này tăng tới 10 ca/ngày" - bác sĩ Phúc nói. Trong khi đó, tại Khoa Virus - ký sinh trùng, mỗi ngày có thêm khoảng 20 ca bệnh.
Theo nhiều bác sĩ điều trị, gần đây, lượng bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện tăng rõ rệt so với tháng trước. Tại Bệnh viện E (Hà Nội), bác sĩ Vũ Phương Nga, Khoa Bệnh Nhiệt đới, cho biết ngày nào khoa cũng ghi nhận 1 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, suy hô hấp phải nhập viện. Không chỉ ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19 tăng mà có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 đồng thời bị sốt xuất huyết.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện E (Hà Nội)
Miễn dịch cộng đồng đang giảm
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch COVID-19 đang gia tăng trở lại. Số ca mắc được công bố mỗi ngày chưa phải là con số thực tế bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm hoặc một số trường hợp xét nghiệm dương tính cũng không khai báo. "Tại một số bệnh viện tuyến trung ương, có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy. Đây là dấu hiệu của sự bùng phát dịch trở lại" - ông Trần Đắc Phu nhận định.
PGS Phu cho rằng thời gian qua, miễn dịch cộng đồng đang giảm bởi đặc thù của miễn dịch COVID-19 khác với nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với COVID-19, sau lần mắc đầu tiên một thời gian, miễn dịch giảm dần nên nhiều người đã mắc bệnh lần 2. Kể cả khi tiêm đủ các liều vắc-xin cơ bản thì miễn dịch của vắc-xin cũng giảm trong vòng vài tháng, do đó cần tiêm các mũi nhắc lại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và chiến lược tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng. Hiện nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron như BA.4, BA.5, BA2.74, BA 2.12.1 với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Trong khi đó, tiến độ tiêm chủng còn chậm, tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ em, còn thấp.
Không để dịch COVID-19 tái bùng phát
Tại Chỉ thị về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành, Chính phủ cũng nhận định dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành y tế và cả hệ thống chính trị. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế và các địa phương sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đồng bộ 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác. Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch, trước mắt tập trung chỉ đạo việc tiêm vắc-xin, nhất là các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tiêm vắc-xin trên địa bàn.
Bình luận (0)