icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệnh nhân phải nằm dưới gầm giường

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

50% bệnh nhân ở tỉnh chuyển về điều trị tại TPHCM trong lúc dự án xây dựng các bệnh viện cửa ngõ TP bị “đóng băng”

“Quỹ đất dành cho xây dựng khu công nghiệp, sân golf… thì bao la, muốn bao nhiêu cũng có, còn đất dành xây cơ sở hạ tầng ngành y tế thì đào không ra. Dân số tăng, bệnh nhân tăng nhưng bệnh viện thì mấy chục năm qua không thấy “nở” thêm...”. Bức xúc này được PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, giãi bày sau khi đi thực tế một số cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM vào ngày 28-11 nhằm tìm giải pháp chống quá tải trong bệnh viện.

Nằm tràn ra hành lang

Ba bệnh viện tại TPHCM được đánh giá là nổi tiếng về sự quá tải và được đoàn công tác Bộ Y tế chọn để tiến hành thị sát, gồm: Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình và Nhi Đồng 1. Tại khu vực phía Bắc, trước đó, đoàn cũng đã khảo sát hai Bệnh viện Ung Bướu Trung ương và Bạch Mai. Theo Bộ Y tế, đây là 5 cơ sở y tế luôn quá tải mà lâu nay “bí” giải pháp tháo gỡ.

Vừa vào khuôn viên Bệnh viện Ung Bướu TPHCM lúc 8 giờ, cả đoàn công tác của bộ choáng ngợp bởi sự quá tải. Tại các khu khám bệnh, khu hành chính đều đông nghẹt người. Tại Khoa Điều trị nội trú 1 và 2, mỗi giường bệnh phải “tải” đến 3 bệnh nhân ung thư; thậm chí có bệnh nhân còn nằm dưới gầm giường. Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, cho biết số giường nội trú thực kê của bệnh viện hiện chưa tới 700 giường, thấp gần phân nửa so với định biên  1.300 giường. Trong khi đó, số bệnh nhân nội trú mỗi ngày đạt 1.700-1.800 người và ngoại trú 8.000-9.500 lượt người. “Chúng tôi đã thực hiện kế hoạch giảm 5% lượng bệnh nhân nội trú và tăng 5% ngoại trú nhưng không giảm được áp lực quá tải” - bác sĩ Minh phân trần.
img

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ tư từ phải qua) trong buổi thị sát

hoạt động khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM ngày 28-11

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, hàng ngàn người chen lấn, nằm, ngồi trong một khuôn viên chật ních, ngột ngạt. Do trong phòng kín chỗ,  bệnh viện  kê thêm giường xếp dọc các hành lang cho người bệnh nằm truyền dịch, bơm thuốc. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2.000 bệnh nhân. Riêng sáng 28-11 đã có 4.000 người đến. Trước đây, mỗi năm tiếp nhận hơn 8.000 bệnh nhân điều trị nội trú thì nay con số này là gần 34.000 bệnh nhân/năm.

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, một rừng người chen chân ở khu đăng ký bệnh ngay cổng vào.  Theo tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh Viện Nhi Đồng 1, hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 5.000 lượt bệnh nhân, cao điểm có trên 7.000 lượt; số điều trị nội trú mỗi ngày cũng từ 1.500-1.600, cao điểm là gần 1.900 ca. Tỉ lệ quá tải nội trú trung bình tăng 136%, có những khoa tăng trên 200% như hô hấp, nhiễm, sơ sinh, tiêu hóa.

Cần giải pháp đồng bộ

Tình trạng quá tải là bài toán đau đầu của ngành y tế TPHCM lâu nay. Bác sĩ Lê Hoàng Minh phân tích Bệnh viện Ung Bướu TPHCM  quá tải do  mạng lưới điều trị ung thư ở tuyến tỉnh quá yếu, tỉ lệ bệnh nhân ở các địa phương khác đổ về chiếm 60% – 70%. Bên cạnh đó, dự án xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện đang bị “treo” do vướng thủ tục giải phóng mặt bằng chưa biết bao giờ được tháo gỡ… 

Bác sĩ Tăng Chí Thượng nhận định việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến trước có làm giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển viện nhưng không giảm người tự chọn cơ sở điều trị. Ví dụ như tỉnh Đồng Nai, từ năm 2008 - 2011, tỉ lệ nhập viện do chuyển viện lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 giảm từ 21,5% xuống còn 12,2%, trong khi tỉ lệ tự chọn vào bệnh viện  lại tăng từ 78,5% lên 87,8%.

img

Do quá tải, bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ cho rằng hiện nay dù mạng lưới chấn thương chỉnh hình đã phủ khắp cả nước nhưng thực tế do lượng bệnh nhân bị tai nạn thương tích tăng chóng mặt khiến việc tiếp nhận điều trị rơi vào quá tải. Ông nhìn nhận việc chậm trễ xây bệnh viện chấn thương chỉnh hình mới của TP khiến việc tiếp nhận, điều trị người bệnh còn nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hệ thống các bệnh viện tại TPHCM phải gánh thêm 50% bệnh nhân các tỉnh chuyển về. Tình trạng quá tải kéo dài khó tránh khỏi khi giải pháp xây dựng bệnh viện cửa ngõ TP đến nay vẫn  bị “đóng băng”. “Giải pháp chống quá tải bệnh viện cần phải đồng bộ từ Trung ương đến địa phương chứ một mình ngành y tế là không thể” - ông Thanh kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị ngành y tế TP cần đốc thúc xây dựng bệnh viện vệ tinh các cửa ngõ, đáp ứng việc khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng hạ quyết tâm vì đề án này. Ở mức vĩ mô, cần coi lại thực hiện Đề án 1816 vì càng làm càng quá tải. “Bộ Y tế đã chậm nhưng TP càng chậm hơn” - bộ trưởng nói. 

Bộ Y tế nhận lỗi

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận không riêng gì TPHCM, quá tải bệnh viện hiện là vấn đề “nóng” của xã hội và “nóng” trong nghị trường Quốc hội. Bộ trưởng cũng cho rằng không có nền y tế của quốc gia nào như nước ta hiện nay.
Đáng lẽ ra 60% bệnh nhân đang điều trị tại tuyến Trung ương phải nằm ở tuyến tỉnh. Tuy nhiên, lỗi do Bộ Y tế trong quy định phân tuyến kỹ thuật và quy chế khám chữa bệnh ban đầu nên người bệnh cứ chạy thẳng từ tuyến dưới lên tuyến trên, đặc biệt việc khám chữa bệnh BHYT, góp phần gây ra hệ lụy quá tải như hiện nay.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo