Cao huyết áp sớm dẫn đến những thay đổi hình thái và nhất là chức năng của thất trái, đó là bệnh tim do tăng huyết áp. Vì vậy phải sớm chữa cao huyết áp để giảm phì đại thất trái. Nói chung, 1/3 số người cao huyết áp mắc phải bệnh tim do tình trạng huyết áp của họ cao. Chẩn đoán dựa vào điện tâm đồ và siêu âm sẽ thấy dày thất trái và phì đại thất trái. Nguy cơ tim mạch cao hơn 3 lần ở bệnh nhân mà khối thất trái vượt 116 g/m2 so với các bệnh nhân có khối thất trái thấp hơn 75 g/m2. Dày thất trái chủ yếu là nguồn gốc của 3 biến chứng: loạn nhịp, thiếu máu cục bộ cơ tim và suy tim.
- Về loạn nhịp, có 2 thể: Trên thất: Ngoại tâm thu trên thất và các cơn rung nhĩ có liên hệ với giãn nhĩ trái gắn liền với tăng áp suất cuối tâm trương của thất trái. Thất: Ngoại tâm thu thất trái, cảnh giác đột tử.
- Về thiếu máu cục bộ cơ tim: Cao huyết áp tạo thuận lợi gây xơ vữa ở các động mạch vành. Tiên lượng sẽ xấu nếu thiếu máu cục bộ cơ tim xảy ra trên một thất trái phì đại. Ngoài ra, cao huyết áp kéo theo những thay đổi hình thái và chức năng động mạch vành màng ngoài tim, các tiểu động mạch và cả các mao mạch của cơ tim; nội mô không còn đáp ứng các chức năng giãn mạch, thành mạch dày lên làm giảm dự trữ mạch vành; các mao mạch dưới màng trong tim bị áp suất nội hang mạnh đè bẹp và xơ hóa. Như vậy, tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim sớm sẽ xuất hiện ở bệnh nhân cao huyết áp có thất trái phì đại.
- Về suy tim: Cao huyết áp khiến thất trái phải cố gắng co bóp mạnh hơn để đẩy máu ra, lâu ngày làm dày thất trái, rồi phì đại thất trái. Hậu quả kế tiếp là nhĩ trái to ra dẫn đến suy tim trái. Nếu không điều trị hoặc điều trị kém sẽ dẫn đến suy tim toàn bộ.
Về mặt điều trị, nhiều công trình nghiên cứu cho thấy thuốc ức chế men chuyển có khả năng mạnh nhất giảm phì đại thất trái (đồng thời làm hạ huyết áp). Những thuốc ức chế men chuyển hiện nay đang được dùng phổ biến là: captopril, enalapril, lisinopril...
Bình luận (0)