Tìm đến Khoa Kế hoạch hóa gia đình của Bệnh viện (BV) Từ Dũ - TPHCM, bà Ng.T.M.N (47 tuổi) ngập ngừng đăng ký… bỏ thai. “Giờ này đã lên chức bà ngoại mà còn phải đi phá thai, ngại quá. Sau khi sinh đứa con thứ hai cách đây mười mấy năm, tôi đặt vòng luôn để khỏi phải uống thuốc tránh thai mỗi ngày nữa. Ai dè đến tuổi này…” - bà N. than thở. Các bác sĩ (BS) cho biết chiếc vòng tránh thai nội tiết của bà N. là loại có hạn dùng 8 năm, tức đã quá hạn vài năm nên hiệu quả tránh thai đã mất. Bà chưa mãn kinh nên việc “dính” bầu là hoàn toàn có thể.
Chỉ hiệu quả khi dùng đúng cách
Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều phụ nữ phải ngậm ngùi đến BV bỏ thai hoặc gấp rút lo toan, chuẩn bị sinh đứa con “ngoài kế hoạch” mà vẫn không biết vì sao mình bị “dính”. BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết: “Tôi thường gặp nhất là các trường hợp quên uống thuốc và không biết cách xử trí khi quên thuốc. Đối với hầu hết các loại thuốc ngừa thai hiện nay, nếu quên lần đầu và kịp uống lại trong ngày thì thường không bị ảnh hưởng nhưng quên đến lần thứ hai thì phải dùng thêm biện pháp bổ sung theo như hướng dẫn của từng loại”.
BS Mai kể bà còn gặp cả những trường hợp người dùng ngỡ rằng thuốc này khi nào quan hệ mới cần uống hay quên uống rồi nghĩ là không sao và bỏ luôn. Một số người gặp tình trạng nôn ói (cũng là một trong các phản ứng phụ có thể gặp khi dùng thuốc) nhưng không biết rằng điều này có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. “Nếu nôn sau 6 giờ từ lúc uống thuốc thì không sao, còn trước thời điểm đó thì thuốc có thể giảm hiệu quả. Bảy ngày đầu tiên dùng vỉ thuốc là quan trọng nhất, nếu bị nôn quá sớm sau khi uống thì nên uống lại. Quên thuốc ở giai đoạn này cũng dễ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hơn” - BS Mai khuyến cáo.
Các BS lưu ý một số thuốc thuộc nhóm kháng sinh, hướng thần cũng có thể làm giảm tác dụng của thuốc ngừa thai nội tiết. Thông thường, trên hướng dẫn sử dụng của thuốc tránh thai đưa ra một số nhóm thuốc có tương tác không tốt với loại thuốc đó. Theo BS Thông, người đang dùng thuốc tránh thai có bệnh phải điều trị nội khoa nên thông báo tình trạng đó với BS điều trị để được kê đơn thuốc phù hợp hay có những hướng xử trí khác.
Lưu ý hạn sử dụng
Một sai lầm nữa mà nhiều người thường mắc là không chú ý đến thời hạn sử dụng của vòng tránh thai nội tiết, que cấy dưới da hoặc lơ là việc khám định kỳ. Theo BS Mai, vòng tránh thai thường có thời hạn sử dụng 5, 8 hoặc 10 năm; que cấy dưới da thường là 3 năm. Nếu quá thời gian này mà người phụ nữ không đi thay vòng hoặc que cấy thì dụng cụ sẽ mất tác dụng. Bà Mai lưu ý vòng tránh thai nội tiết nếu để trong cơ thể quá hạn thì dễ bị biến chất hay mắc sâu vào bên trong, việc lấy ra hết sức khó khăn. Vòng cũng có thể bị nứt, gãy, gây ra tình trạng vòng xuyên cơ dẫn đến tổn thương nguy hiểm.
Kiểm tra sức khỏe trước khi “kế hoạch” Theo BS Dương Phương Mai, trước khi thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, ngay cả việc uống thuốc tránh thai nội tiết, các phụ nữ nên đến đơn vị chuyên khoa để thăm khám, kiểm tra những bệnh lý nội tại, loại trừ các nguy cơ bệnh tật về sau.
Khi đang sử dụng các biện pháp phòng tránh thai, nếu gặp những biểu hiện như ra máu bất thường, đau căng tức bụng, căng trước bụng, sốt…, nên trở lại BV tái khám. Một số biện pháp tránh thai có chứa nội tiết sẽ gây ra các phản ứng phụ không mong muốn trong giai đoạn mới sử dụng do cơ thể chưa kịp thích nghi. Thông thường, các triệu chứng này sẽ dần khỏi và cơ thể sẽ đi vào trạng thái ổn định sau 3-6 tháng. |
Bình luận (0)