Thần dược Taurine
Công thức nước tăng lực của các hãng có thể khác nhau, nhưng hầu hết đều sử dụng chất Taurine, mà họ xem đó là “thần dược” đem lại sự sảng khoái.
Taurine là một loại acid amin, nhưng không phải là loại acid amin thiết yếu (acid amin thiết yếu - essential amino acid - là những loại acid amin mà cơ thể không thể tổng hợp được, hoặc tổng hợp ở mức không đầy đủ, do đó cơ thể phải lấy những acid amin này từ nguồn thực phẩm mà chúng ta ăn. Có khoảng 9 loại acid amin được xem là thiết yếu). Taurine được tìm thấy nhiều trong não và có vai trò quan trọng trong việc phát triển não, nhất là với tiểu não và võng mạc (mắt). Tuy nhiên, giới y học cho rằng nếu đưa Taurine vào cơ thể qua ngõ thực phẩm, thì Taurine sẽ bị thải ra ngoài sau khi đã chuyển hóa thành acid mật. Nói cách khác, tính “tăng lực” của Taurine vẫn còn là chuyện nghi vấn.
Các thành phần “tăng lực” khác
Một vài thành phần khác cũng được thêm vào nước tăng lực tùy công thức riêng của mỗi hãng, như Inositol (giúp tiêu hóa chất béo), Nicotinamid (dưỡng da), Trimethylxanthine (giúp tuần hoàn máu)...
Một nhóm “tăng lực” khác cũng hiện diện trong nước tăng lực, đó là các vitamin tan trong nước thuộc nhóm B, như B1, B2, B6... Các vitamin nhóm B này giữ vai trò chuyển hóa năng lượng của tế bào. Nếu cơ thể thiếu chúng, dễ tạo cảm giác mệt mỏi, khả năng chống stress kém... Nước tăng lực lại rất “hào phóng” trong việc cung cấp vitamin nhóm B, thậm chí vượt quá cả nhu cầu hàng ngày, chẳng hạn vitamin B1, nhu cầu hàng ngày ở người lớn khoảng 1,5 mg/ngày, nhưng trong nước tăng lực (thí dụ ở Lipovitan), lượng vitamin B 1 có tới 2,2 mg/lon. Tương tự, B2 và B6 nhu cầu là 1,8 và 2,2 mg, trong lon nước tăng lực chứa 3,2 và 4,0 mg. Việc dư thừa các vitamin nhóm B (trừ vitamin B12) chẳng có lợi mà cũng chẳng có hại, vì cơ thể sẽ thải bớt ra ngoài.
Nước giải khát hay dược phẩm?
Các nhà sản xuất nước tăng lực sẽ khẳng định đây chỉ là nước giải khát và trong công thức, các thành phần đã được tính toán để người dùng uống vào nếu không tăng lực được thì cũng... chẳng có hại gì. Điều này có nghĩa là chưa có một kiểm chứng nào về tính tăng lực của nước giải khát này.
Tuy nhiên, nếu bạn là người hâm mộ nước tăng lực thì nên lưu ý những điểm sau:
- Các thành phần “tăng lực” trong nước tăng lực có đầy rẫy trong các thực phẩm hàng ngày, chẳng hạn: “thần dược” Taurine có nhiều trong các loại sò, cá, nước cốt thịt bò, các loại sữa (trừ sữa bò, có rất ít). Inositol có trong các loại rau quả, sữa. Các vitamin nhóm B có nhiều trong các ngũ cốc, đậu, rau xanh...
- Các thành phần bổ sung khác trong nước tăng lực như sâm, mật ong... với liều lượng rất khiêm tốn liệu có làm tăng lực? Cần uống bao nhiêu lon một ngày mới “phê”?
- Nước tăng lực thường rất ngọt do hàm lượng đường cao, không có lợi cho người ăn kiêng, và nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
- Một số nhãn hiệu nước tăng lực có dùng vitamin B12, việc dùng quá liều và lâu ngày vitamin B12 có thể xuất hiện kháng thể chống B12 và nguy cơ phát triển ung thư.
Thị trường nước tăng lực đang có chiều hướng gia tăng theo thị hiếu. Hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện ở thị trường, thậm chí một số cơ sở sản xuất nước đóng chai cũng đang ngấp nghé sản xuất nước tăng lực.
Dân Mỹ và châu Âu vẫn còn rất xa lạ với nước tăng lực (energy drink) của châu Á (chủ yếu đến từ Đài Loan, Hồng Kông và Nhật). Nhiều người châu Âu mà chúng tôi có dịp nói chuyện đều tỏ vẻ hoài nghi về “độ tăng lực” của loại nước giải khát này.
Hiệu quả có tăng lực hay không còn cần phải có những thực nghiệm mang tính thống kê thuyết phục hơn. Nhưng trước mắt, chúng ta có thể đặt vấn đề: Một lon nước tăng lực liệu có bổ dưỡng bằng một ly sinh tố hay một ly cam vắt?
Bình luận (0)