Ngày 18-11, BS CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân nhồi máu cơ tim tối cấp có biến chứng ngừng tim.
Theo đó, nam bệnh nhân tên N.N.C (23 tuổi; ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), nhập viện lúc 3 giờ ngày 16-11 với tình trạng đau ngực trái nhiều rất nguy hiểm. Cách thời gian nhập viện 3 giờ, bệnh nhân sau khi uống bia đột ngột nôn ói ngăn ngực trái kéo dài hơn 10 phút rồi tự dùng thuốc điều trị dạ dày nhưng không giảm. Ngoài ra, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tim mạch do hút thuốc lá nhiều.
Bệnh nhân C. đang được các bác sĩ khám và chăm sóc sau khi can thiệp
Thăm khám lâm sàng và đo điện tâm đồ, bác sĩ chẩn đoán cơn đau thắt ngực không ổn định nên chuyển ngay đến khoa tim mạch để được theo dõi, điều trị theo chuyên khoa. Lúc vào đến khoa tim mạch, bệnh nhân đột ngột ngưng tim – ngưng thở, các bác sĩ tiến hành cấp cứu hồi sức cơ bản và sốc điện phục hồi nhịp tim trở lại, sau đó tiếp tục sử dụng vận mạch, chống loạn nhịp tim, chống toan…. Đo điện tim phát hiện nhồi máu cơ tim tối cấp. Hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa quyết định can thiệp cấp cứu tái thông mạch vành khi tình trạng bệnh nhân cho phép.
Ê-kíp thực hiện do Khoa Tim mạch can thiệp đã chụp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân. Kết quả chụp mạch vành tắc LADII – huyết khối mạch vành, ê-kíp can thiệp nong bóng và đặt stent nhánh LADII. Thời gian can thiệp hơn 14 phút. Sau can thiệp, huyết động bệnh nhân ổn định, bớt đau ngực, không khó thở, bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường.
Theo BS CKII Phạm Thanh Phong, nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc bệnh này ngày càng tăng, xảy ra ở tuổi 45 được đánh giá là trẻ, còn nếu dưới 35 tuổi mắc bệnh là rất trẻ.
Bình luận (0)