Người thích phản biện
Một bác sĩ tôi quen từng kể câu chuyện xảy ra khá lâu về bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trong một buổi giao ban của Bệnh viện Nhi Đồng 1, vị giám đốc tiền nhiệm mang một ca tử vong vì viêm não hôm trước ra bàn luận và hỏi: “Làm sao biết chắc em bé này bị viêm não?”. Nhiều ý kiến nêu ra nhưng bác sĩ Khanh có ý kiến khác: “Theo tôi, chỉ có một cách chắc chắn nhất đó là mổ sọ vì chỉ có nhìn thì mới biết!”. Mọi người ồ lên vì ý tưởng kỳ quặc, nhưng rồi ngẫm ra ai cũng thấy có lý bởi nghĩ cho cùng “trăm nghe không bằng một thấy” và chắc chắn nhất vẫn là “thực mục sở thị”!
Có người nói bác sĩ Khanh là người “gàn dở”, “kỳ kỳ”. Ở khía cạnh nào đó có lẽ đúng vì anh không có vẻ bề ngoài của một bác sĩ. Nhìn anh với mái tóc xoăn rậm rạp, áo luôn bỏ ngoài quần, chân mang sandal hay dép khiến không ít người xem anh là một gã lang bạt hay kẻ vô công rỗi nghề nào đó. Thế nhưng có lẽ chính cách sống ít-theo-lẽ-thường, thẳng tính và hay phản biện của anh mà anh mới bị nhiều người xem là “gàn dở”. Học xong 6 năm y khoa, hăm hở chuẩn bị thi nội trú với bạn bè, đột nhiên anh bỏ ý định để đi tìm việc ở bệnh viện vì nghĩ rằng chỉ có va chạm thực tế thì tay nghề mới nâng lên. Có thầy dạy về tâm thần nhìn bảng điểm nhận ngay về bệnh viện làm vì thấy anh phù hợp, nhưng anh lại chọn làm việc cho Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1: một công việc... không công!
Anh nói: “Đó là năm 1989, tôi là một trong những bác sĩ làm không công đầu tiên của cả nước. Thích tư duy tìm tòi, nên tôi nghĩ nếu một đứa bé không biết nói mà mình tìm ra bệnh thì mới hay. Tôi cũng mê ngành truyền nhiễm, vì nghĩ rằng nhiều bệnh có thể không chữa khỏi. Nào dè thời nay có nhiều bệnh nhiễm chữa khó quá, thậm chí có bệnh thầy thuốc cũng phải bó tay”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh được coi là kẻ gàn dở trong ngành y của TPHCM hiện nay. Ảnh: Lê Hồng Thái
Tháng 7 năm qua, khi dịch tay chân miệng có chiều hướng xấu, báo chí nêu dự báo của anh: “Phải tính đến kịch bản xấu nhất”, nếu không hành động kịp thì “ngành y tế chỉ có nước tung cờ trắng”. Lúc đó có lãnh đạo phê bình anh “ăn nói lung tung trên báo chí”, một bác sĩ khác lại nói “năm nào cũng có tay chân miệng, cần gì phải nói sốc như thế”. Nói sốc, lung tung hay không thì phải bàn nhưng diễn tiến sau đó cho thấy cảnh báo của anh là có lý. Bốn tháng sau, cả nước có gần 90.000 ca bệnh tay chân miệng, 147 ca tử vong, chưa năm nào Việt Nam bị “te tua” vì tay chân miệng như năm 2011.
Nghiệp thầy thuốc
Thật ra y khoa không phải là giấc mơ ban đầu của bác sĩ Trương Hữu Khanh. Có lần anh tâm sự thuở nhỏ rất thích vật lý, say mê những định luật lý thú của nó và quyết tâm sau này trở thành một nhà vật lý giỏi. Thế nhưng có một định luật mà có lẽ khi đó anh không biết, đó là: nghề chọn người chứ người không chọn nghề. Anh cho biết khi thi đại học anh chọn y khoa theo lời rủ của bạn bè. Về hỏi gia đình, người nhà cũng thấy hay, nên anh quyết định đi thi. Sự trái khoáy trong chọn lựa đó đã vô tình mang lại cho ngành y một kẻ “gàn dở” tài năng.
Không thích những từ hoa mỹ, nhìn lại hơn 20 năm làm một bác sĩ nhi nhiễm, anh nói ngắn gọn và khiêm tốn: “Thật ra tôi thấy mình cũng không hay ho gì. Tôi nghĩ mình đã lỡ mang cái nghiệp bác sĩ thì phải sống hết mình và làm tròn trách nhiệm thôi”. Làm-tròn-trách-nhiệm, chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng lại không dễ thực hiện, nhất là với những người làm việc trong ngành y thời nay. Hỏi anh vậy trách nhiệm của một bác sĩ là gì, anh đáp: “Phải hết mình với bệnh nhân, đừng “chặt chém” họ và tìm tòi, học hỏi để chữa bệnh cho tốt”.
Ở Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện về dịch bệnh trong nhiều năm qua, các thầy thuốc trẻ và nhân viên vốn quá quen với hình ảnh một đàn anh luôn sát cánh với họ trong mọi công việc. Khám bệnh, hội chẩn, giảng dạy, quản lý y khoa, “nghiệp bác sĩ” bắt anh xoay vòng vòng như thế hết 12 tháng. “Cả chục năm nay tôi không biết nghỉ phép năm. Thỉnh thoảng tôi lại đi công tác, xem đó như dịp xả bớt căng thẳng của công việc thường nhật. Các em trong khoa làm cực lắm, tôi lấy ngày phép của mình cho họ để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi”.
Hai ngày trong tuần, bác sĩ Trương Hữu Khanh lại khám phòng mạch tư, một phòng khám xa trung tâm, cách nhà gần 20 km đi về. Trước đây, anh khám đủ 6 ngày/tuần, nhưng dần dần giảm bớt. Anh tâm sự: “Tôi lớn lên ở đó và có được ngày hôm nay cũng nhờ người dân chung quanh. Khám bệnh cho họ cũng là cách trả ơn. Thế nhưng vài năm nữa tôi cũng nghỉ hẳn vì quá mệt, với lại chung quanh bây giờ cũng đã có nhiều bác sĩ nhi rồi”.
Với tiếng tăm của anh, mỗi bữa 200 - 300 bệnh nhân ngồi chờ để được anh khám. Có người thắc mắc, khám như thế làm sao kỹ được, anh trả lời: “Bệnh trẻ con coi thế chứ không phức tạp, mùa nào bệnh đó. Dĩ nhiên cũng phải lưu ý đến một số trường hợp đặc biệt, cái đó thì làm lâu năm mới có kinh nghiệm được”. Dĩ nhiên cũng có lúc rầy rà. Năm qua có người phản ánh anh trên báo, cho rằng anh khám nhanh, không dành nhiều thời gian tư vấn cho gia đình. Anh đáp: “Tôi khám bệnh cho số đông người, không phải cho vài trường hợp cá biệt. Khám kỹ một người sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm người khác ngồi chờ bên ngoài. Nếu ai cần tư vấn kỹ, họ có thể đến những phòng khám khác. Tôi nghĩ mình đã làm hết trách nhiệm với bệnh nhân”.
Trách-nhiệm-với-bệnh-nhân, khái niệm này cần được quan sát từ nhiều góc cạnh và mối liên quan, nào phải đơn giản bó khung trong việc khám lâu hay tư vấn nhiều. Nhưng trên hết, trách-nhiệm-với-bệnh-nhân vẫn là sống hết mình với cái nghiệp của người thầy thuốc. Vì cái nghiệp đó, bác sĩ Khanh sẵn sàng phản biện, rẽ ngang, hành xử khác, chấp nhận mang tiếng gàn dở hay bị ganh ghét. Với khả năng chuyên môn của mình, tôi luôn nghĩ anh thừa sức có những học hàm, học vị trong y khoa, nhưng anh không màng. “Kẻ gàn dở” nói: “Làm bác sĩ bình thường là khó rồi huống gì làm chuyện lớn lao hơn”. Cuộc sống cần những người gàn dở như thế!
Danh tiếng vượt khỏi quốc gia Năm qua, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát hành “Hướng dẫn thực hành lâm sàng và đáp ứng cộng đồng đối với bệnh tay chân miệng”, do bác sĩ Trương Hữu Khanh và ba bác sĩ nước ngoài chấp bút. Đây là chứng nhận cụ thể về trình độ chuyên môn của một cá nhân và ngành y khoa Việt Nam.
Ngoài công việc hằng ngày, bác sĩ Khanh còn tham gia nghiên cứu. Tôi tự làm những nghiên cứu nhỏ, rồi cộng tác với người khác làm nghiên cứu lớn. Nghiên cứu sẽ giúp bác sĩ học hỏi được nhiều điều. Một bác sĩ không chịu nghiên cứu, học hỏi thì khó phát triển tài năng”.
Hơn 20 năm làm nhi nhiễm, nhiều đề tài nghiên cứu của anh về HIV/AIDS, viêm não, tay chân miệng... đã phát huy hiệu quả, khiến giới khoa học nước ngoài chú ý. Anh được xem là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về HIV trẻ em! |
Bình luận (0)