xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kê toa thuốc như... vẽ bùa

Bài và ảnh: Nhất Phương

Cách tốt nhất để hạn chế những rắc rối quanh chuyện toa thuốc là nên vi tính hóa hệ thống kê toa. Hiện nay, với phần mềm “toa thuốc thông minh” mà một số BV đang sử dụng, không chỉ tên thuốc được viết rõ ràng mà ngay cả những loại thuốc cùng chức năng nếu được sử dụng trùng nhau trong cùng một toa cũng được “cảnh báo”. Áp dụng kê toa điện tử sẽ hạn chế những rủi ro mà bệnh nhân phải gánh chịu do uống nhầm thuốc

Hầu hết những toa thuốc viết tay đều khó đọc được, các bác sĩ giải thích viết xấu do bệnh viện quá tải, không đủ thời gian.

Bị cảm sốt nhưng uống thuốc... tẩy giun

Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định TPHCM vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T.Đ, ngụ tại quận Phú Nhuận -TPHCM, nhập viện do ngộ độc thuốc tẩy giun. Điều nguy hiểm là bệnh nhân này không mắc bệnh liên quan đến giun sán. Trước đó, bệnh nhân này bị cảm và đến một phòng mạch tư để khám và được kê toa.

Tại đây, bác sĩ đã kê toa trong đó có loại thuốc kháng viêm Antemin nhưng khi bệnh nhân cầm toa sang cho người bán thuốc thì được bán một loại thuốc khác có công dụng tẩy giun là Antelmine. Đúng theo hướng dẫn trong toa của bác sĩ, bệnh nhân uống trong vòng 5 ngày để trị cảm, mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần 2 viên. Kết quả là sau đó bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc thuốc.

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.T.T, ngụ tại quận 5 - TPHCM cũng mắc bệnh cảm sốt và đến khám tại một bệnh viện cũng thuộc địa bàn quận 5. Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị cảm sốt, bác sĩ đã kê toa có Anacin. Ngay khi uống liều đầu tiên, bệnh nhân đã thấy những cơn đau dạ dày rất khó chịu.

Tuy nhiên, bà T. nghĩ do phản ứng phụ của thuốc gây ra vì một số trường hợp thuốc có thể gây đau dạ dày. Tuy nhiên, sau đó một tuần, khi không chịu nổi những cơn đau dạ dày, bệnh nhân đã đi siêu âm và được chẩn đoán là dạ dày bị viêm loét nhẹ do uống thuốc sai chỉ định, nếu vẫn tiếp tục sử dụng thuốc, có nguy cơ gây thủng dạ dày.

Khi bà T. cầm toa thuốc đến bác sĩ hôm trước đã kê toa để khiếu nại thì được biết ông đã kê thuốc Anacin-3 (một loại biệt dược của Paracetamol) nhưng số 3 nhìn không thấy rõ nên bệnh nhân đã mua thuốc Anacin (một loại biệt dược của Aspirin).

Ngay cả dược sĩ... cũng bó tay

Chị L.T.B.P có con trai 11 tháng tuổi bị sốt, ho, nổi mẩn đỏ nên đưa vào khám tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM. Bác sĩ khám bệnh là H.T.T. Sau khi khám, bác sĩ đã kê toa gồm 3 loại thuốc. Toa thuốc này được viết tay, chữ rất khó đọc. Khi chị P. mang toa thuốc ra nhà thuốc của BV thì được một cô nhân viên cho biết chỉ có 2 loại thuốc trong toa, còn 1 loại thuốc được hướng dẫn uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 muỗng cà phê thì không có.

Chị P. không dám thay thế bằng thuốc khác vì sợ con không hết bệnh nên đã cầm toa ra ngoài mua. Thế nhưng khi đi gần 20 quầy thuốc ở quận Tân Bình và quận 10 thì tất cả những người bán thuốc đều trả lời không biết đó là thuốc gì vì không đọc được.

Chị P. cho biết trước đây vài lần đưa con đến BV này khám bệnh nhưng khi mua thuốc trong BV thì hiếm khi đầy đủ, còn ra ngoài mua thì không ai đọc được toa thuốc. Sợ phải mất thời gian tìm thuốc sẽ làm cho bệnh của con nặng hơn nên có khi chị phải bế con quay lại BV để bác sĩ khám và cho toa khác, cũng có khi chị đưa con đến phòng mạch bác sĩ T. khám để được bán thuốc luôn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận không riêng gì trường hợp chị P. mà nhiều cha mẹ khi đưa con đến đây khám bệnh cũng gặp trường hợp tương tự. Một số bác sĩ kê những loại “thuốc hiếm” mà ngay cả nhà thuốc BV cũng không có.

Riêng trường hợp bác sĩ T., một số cha mẹ phản ánh khi đưa con đến khám ở phòng mạch của bác sĩ này thì được bác sĩ kê toa cho những bệnh nhi rất giống nhau mặc dù chúng mắc những loại bệnh khác nhau.

Khi các cha mẹ đem so những loại thuốc với nhau thì không có nhiều khác biệt lắm. Được biết, trước đó bác sĩ T. đã bị phạt và đóng cửa phòng mạch vì lý do “trong 10 toa thuốc thì có đến 9 toa giống nhau”.

Khi chúng tôi phản ánh tình trạng kê toa không đọc được với lãnh đạo BV Nhi Đồng 1, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết hiện tại BV đang tiến hành vi tính hóa toa thuốc cho bệnh nhân tại các phòng khám, đồng thời lập những quầy hướng dẫn sử dụng thuốc tại các khu vực khám bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM:

Kê toa không rõ ràng là vi phạm quy định của Bộ Y tế

Theo quy định của Bộ Y tế, khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân, tên thuốc phải rõ ràng và hướng dẫn sử dụng thuốc cụ thể trên toa để tránh những nhầm lẫn có thể xảy ra. Vì vậy, khi bệnh nhân đi khám bệnh phải yêu cầu bác sĩ viết toa dễ đọc. Đối với những trường hợp bác sĩ kê toa với chữ viết quá xấu, người bệnh có quyền khiếu nại tại ban lãnh đạo của chính BV đó để được xử lý và yêu cầu kê toa lại.

Trong trường hợp bệnh nhân đến khám ở phòng mạch tư, bác sĩ hoạt động ngoài khuôn khổ của BV thì bệnh nhân nên phản ánh tại phòng y tế quận, nơi bác sĩ đang hành nghề. Bác sĩ nào kê toa thuốc không rõ ràng là vi phạm quy chế kê đơn cho người bệnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo