Ngày 12-8, cô giáo dạy văn C.T.A ở huyện Nhà Bè - TPHCM đến tái khám tại Bệnh viện (BV) Tai - Mũi - Họng TPHCM. Cô cho biết đã phát hiện bị khàn tiếng lâu rồi nhưng chỉ tự mua thuốc tây ở ngoài chợ uống. Bệnh lúc giảm, lúc tái phát cho đến một ngày cô đang nói to thì thấy tiếng mình tắt hẳn. Lo sợ, cô đến BV Tai - Mũi - Họng khám thì được chẩn đoán bị viêm dây thanh.
Trước đó, vào năm 2002, BV Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân L.V.A, 50 tuổi, nam, làm ruộng, ngụ tại Long An trong tình trạng suy kiệt, thở rít, mất tiếng và mang một khối u như mai rùa trên cổ. Năm 2000, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu khàn tiếng. Do tưởng cảm cúm thường nên bệnh nhân tự đi mua thuốc uống. Bệnh thuyên giảm, nhưng sau đó ngày một nặng hơn. Bệnh nhân đi khám nhiều nơi, nhưng do không chẩn đoán đúng, bệnh tiến triển nặng hơn và cuối cùng khi tìm đến BV thì đã ở trong tình trạng ung thư thanh quản giai đoạn cuối! BV đã phải mở khí quản cho bệnh nhân dễ thở, sau đó tiến hành phẫu thuật và xạ trị...
Đừng để khàn tiếng kéo dài hơn 3 tuần
Bác sĩ Nguyễn Phương Mai, Phó Khoa Phẫu thuật BV Tai - Mũi - Họng TPHCM, cho biết: Khàn tiếng là do những thay đổi cấu trúc trong thanh quản hoặc những bất thường về mặt chức năng thanh quản. Những nguyên nhân gây ra sự thay đổi này là do viêm (làm việc trong môi trường lạnh, tiếp xúc với hóa chất), nhiễm khuẩn (do môi trường khói, bụi), khối u, yếu tố thần kinh, bẩm sinh. Từ một triệu chứng rất đơn giản là khàn tiếng nhưng nếu kéo dài dai dẳng trong hơn 3 tuần thì có thể đã là dấu hiệu của nhiều loại bệnh.
Khàn tiếng và ba loại bệnh phổ biến
Viêm thanh quản là bệnh hay gặp nhất, thường do vi- rút, nếu bội nhiễm thứ phát vi khuẩn thì bệnh sẽ nặng hơn. Ở trẻ em viêm thanh quản thường nặng hơn người lớn vì đường thở của trẻ nhỏ hơn và khi phù nề thì dễ bít tắc hơn. Ví dụ khi bị phù nề, đường thở của trẻ sơ sinh bít tắc tới 75%, trẻ nhỏ 44% trong khi người lớn chỉ 27%. Do vậy việc phát hiện sớm để xử lý kịp thời là rất cần thiết.
U lành tính Papilôm hay còn gọi là u nhú thanh quản. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhưng cũng vẫn gặp ở thanh niên và người lớn. Có nhiều giả thiết về nguyên nhân gây bệnh nhưng giả thiết do vi-rút Human papilloma được nhiều người chấp nhận. U nhú thanh quản có cấu trúc lan tỏa nên có thể chuyển thành ung thư. Triệu chứng khởi bệnh cũng là khàn tiếng kéo dài. Khi phát hiện u nhú thanh quản sẽ phải bấm sinh thiết và phẫu thuật cắt bỏ u. Loại u này rất hay tái phát vì thế người bệnh phải tái khám định kỳ, nếu không sẽ gây tình trạng bít đường thở, bệnh nhân ở xa đến BV không kịp sẽ tử vong.
Ung thư dây thanh thường gặp ở người lớn tuổi, nhất là người nghiện thuốc lá lâu năm. Loại ung thư này tiến triển tiềm tàng. Dấu hiệu sớm nhất để chẩn đoán chính là khàn tiếng kéo dài. Nếu phát hiện sớm ung thư mới khu trú trên một dây thanh. Lúc đó các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt thanh quản bán phần. Bệnh nhân vẫn nói được nhưng khàn tiếng suốt đời. Còn nếu phát hiện trễ, ung thư lan tỏa, bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ thanh quản toàn phần. Chỉ khi tập nói tốt, bệnh nhân có thể nói bằng giọng thực quản (thay vì bằng thanh quản).
Phòng ngừa
Theo bác sĩ Phương Mai, đối với người thường phát âm nhiều không được để thanh quản làm việc quá sức hoặc phát âm không đúng âm vực của mình. Khi mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang, người bệnh nên đi điều trị ngay để tránh chất đàm đọng trên 2 dây thanh gây khàn tiếng. Không được dùng thuốc lá, rượu, cà phê quá mức, tránh thức ăn cay, chiên, sô-đa, sô-cô-la, cà chua, nước chanh và bạc hà. Khi ngủ nên gối đầu cao khoảng 15 - 20 cm. Quần áo phải được nới rộng tại vùng eo. Không mang nặng và không tập thể dục sau bữa ăn.
Thùy Dương - Phan Sơn
TS-BS Lê Hành (chuyên Khoa Tai - Mũi - Họng và Phẫu thuật đầu - cổ BV Chợ Rẫy):
Dù chỉ là thoảng qua, cũng nên cảnh giác với khàn tiếng
. Phóng viên: TS có thể đưa ra những lời khuyên nào khi có dấu hiệu khàn tiếng?
- TS-BS Lê Hành: Nên cảnh giác với khàn tiếng vì có thể đây là dấu hiệu của u ác tính thanh quản. Sách vở nói đến “luật Semon”: Luật nói về những người đàn ông trên 40 tuổi, khàn tiếng tăng dần, kéo dài quá 2 tuần thì phải đi khám vì nhiều khả năng đây là ung thư thanh quản.
Thanh quản rất nhạy cảm, nên bất kỳ sự thay đổi nào về nhiệt độ bên ngoài, áp suất, khói bụi đều có thể ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp, trong đó có thanh quản. Nạn ô nhiễm không khí ở những TP lớn như TPHCM cũng là cơ sở để gây ra các bệnh thanh quản. Để đề phòng, bạn cần thay đổi môi trường sống và làm việc, nên đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Không nên mang những loại khẩu trang may sẵn bằng vải bán ngoài chợ vì nó không có tác dụng lọc bụi mà còn gây khó thở. Có thể sử dụng loại khẩu trang y tế vì chúng có nhiều lớp bảo vệ.
. Trào ngược dịch vị dạ dày thực quản là một phát hiện khá mới được cho là gây ra dấu hiệu khàn tiếng của viêm thanh quản. TS có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Đó là hiện tượng dịch vị chứa a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây bỏng nhẹ niêm mạc dây thanh. Khi khàn, bệnh nhân cố gắng để nói, điều này làm cho ma sát lên dây thanh nhiều hơn, gây viêm nhiều hơn. Lúc này, nếu bị dịch vị tác động vào, dây thanh càng dễ viêm; bệnh ngày một nặng. Đặc điểm của bệnh này là bệnh nhân hay ợ chua, có tiền căn về đau bao tử, ban đêm thấy rát trong thực quản, sáng dậy thấy họng đắng, đàm nhiều, đặc biệt là khàn tiếng nhiều hơn.
Bình luận (0)