xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năm 2012 sẽ tăng viện phí

Ngọc Dung

Quá tải, tăng viện phí, tinh thần trách nhiệm của bác sĩ… là những vấn đề người dân chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong cuộc đối thoại trực tuyến qua cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 7-1

Trước câu hỏi: “Bộ trưởng đã có những hoạt động gì để hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện (BV)?”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân trần: “Quá tải BV là vấn đề lớn xảy ra nhiều năm nay không chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển mà cả ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, tình trạng này khá trầm trọng. Thời gian qua, nhiều BV đã cố gắng để giảm tải nhưng tình trạng quá tải vẫn tăng”.

Chưa biết khi nào hết quá tải!

Nguyên nhân theo Bộ trưởng Bộ Y tế là do dân số tăng nhiều trong khi số BV mở ra không nhiều. “Tỉ lệ số giường bệnh hết năm 2011 là 20,5 giường/1 vạn dân, trong khi đó, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất phải là 33 giường/1 vạn dân.
Cùng đó, mô hình bệnh tật thay đổi nhiều, trước kia chỉ có bệnh nhiễm trùng, nay tỉ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, ung thư… gia tăng nhanh chóng. Hơn nữa, do mức thu nhập tăng, giao thông thuận lợi nên người dân muốn lên tuyến trên điều trị.
Một lý do khác là giá dịch vụ tuyến Trung ương không chênh lệch nhiều so với tuyến dưới. Hiện có tới 80% bệnh nhân đang điều trị ở tuyến Trung ương có thể được chữa khỏi bệnh ở tuyến dưới…” - bà Tiến nói.
img
Bệnh viện Trưng Vương - TPHCM luôn quá tải. Ảnh: TẤN THẠNH
Trước thắc mắc của ông Dương Văn Từ (ở quận Đống Đa, Hà Nội) về tình trạng một bác sĩ khám cả trăm bệnh nhân mỗi ngày làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng câu hỏi của ông cũng là nỗi trăn trở của ngành nhưng thực tế nhiều BV đã mở hết cỡ các cửa nhưng vẫn không đủ chỗ điều trị cho bệnh nhân.
“Khoa Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) hiện 4-6 bệnh nhân/giường. Bộ Y tế sẵn sàng sử dụng ngân sách của bộ để “cấp cứu khẩn cấp”, xây thêm 50, 70 giường bệnh nữa nhưng tìm khắp BV không còn chỗ nào trống, lãnh đạo BV đành đề nghị xây dựng thêm tầng và sẽ tìm cách không để ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân hiện tại”- bà Tiến phân trần.

Nằm ghép giường được giảm viện phí

Băn khoăn về giá viện phí mới, bà Nguyễn Thị Yến (Hà Nội) thẳng thắn hỏi: “Mức tăng cụ thể là bao nhiêu và được tính toán như thế nào? Sau khi tăng giá thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được cải thiện đến đâu? Bộ trưởng Tiến cho biết việc điều chỉnh giá viện phí vẫn dựa trên quy định tại Thông tư 14 ban hành từ năm 1995 và Thông tư 03 từ năm 2006.
“Trong 7 yếu tố tạo nên giá, giai đoạn này chúng tôi chỉ tính 3 yếu tố. Tức là, các chi phí trực tiếp (máu, dịch truyền, bơm kim tiêm…), chi phí điện nước, chi phí sửa chữa một số trang thiết bị. Đây là những chi phí tối thiểu nhất” - bà Tiến khẳng định.

Nhắc lại hình ảnh bệnh nhân vẫn phải nằm chiếu manh, dùng chăn chiên như hồi chiến tranh, bà Tiến nói giá tiền khám 3.000 đồng/lần, trong đó chi 2.000 đồng mua găng tay, vậy BV làm gì có tiền để đầu tư? Vì thế, bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sắp tới, công khám bệnh sẽ điều chỉnh từ 3.000 đồng/lượt lên 20.000 đồng (tuyến Trung ương); 15.000 đồng (tuyến tỉnh), 10.000 đồng (tuyến huyện) và 5.000 đồng (ở trạm y tế xã và phòng khám đa khoa khu vực chưa phân hạng). Việc điều chỉnh này căn cứ theo tình hình trượt giá và mức lương cơ bản.

Về điều chỉnh giá giường bệnh, Bộ trưởng Tiến cho biết hiện nay tại các chuyên khoa đặc biệt là 20.000 đồng/ngày, còn thông thường từ 10.000 - 18.000 đồng/ngày. Sau khi điều chỉnh, các giường nội khoa (trước đây là từ 1.500 đến 10.000 đồng) dự kiến sẽ tăng lên từ 20.000 đến 80.000 đồng, tùy điều kiện trang bị.
“Còn với 220 dịch vụ được rà soát điều chỉnh sẽ có khoảng 70% dịch vụ tăng giá dưới 5 lần. Với mức tăng này, giá dịch vụ sẽ tương xứng hơn với chi phí, dịch vụ cũng sẽ tốt hơn”- lãnh đạo Bộ Y tế nhận định.

Một điểm đáng chú ý được Bộ trưởng Tiến đề cập là với quy định mới, những bệnh nhân phải nằm ghép, giá tiền sẽ giảm xuống còn 50% nếu nằm đôi và 30% nếu nằm ba. Theo bà Tiến, nhanh nhất trước Tết Nguyên đán 2012 sẽ có thông tư về điều chỉnh viện phí.

Phong bì chủ yếu là để cảm ơn

Nói về vấn nạn phong bì trong BV, “tư lệnh” ngành y tế cho rằng phong bì hiện nay chủ yếu là sự cảm ơn của người bệnh đối với các cán bộ y tế làm việc vất vả như mỗi lần thay băng, cán bộ điều dưỡng, tiêm, phục vụ... Còn việc gợi ý để đưa phong bì, nếu có chỉ là cá biệt, rất hiếm hoi. “Nếu phát hiện trường hợp cán bộ y tế vòi vĩnh phong bì của bệnh nhân mới khám, chữa bệnh, chúng tôi sẽ kỷ luật và đuổi việc ngay”- bà Tiến khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo