Được người nhà đưa vào bệnh viện (BV), chị N.T.Th (một công nhân ngụ tại Bình Dương) ngần ngại hỏi bác sĩ (BS) vì sao đứa bé mình đang mang đã nằm trong bụng quá 9 tháng 10 ngày được chừng 1 tuần mà chưa thấy “đòi ra”.
Qua thăm khám, chị được chỉ định mổ lấy thai ngay bởi bánh nhau đã bắt đầu thoái hóa, gây ảnh hưởng đến thai nhi. “Làm công nhân thời gian đặc kín nên tôi chỉ đi khám thai vài lần, may là mẹ chồng mông cháu quá, nhẩm tính thấy quá ngày, bảo tôi “chửa trâu”, khuyên tôi đi BV…” - chị Th. nói.
Quá 41 tuần, phải nhập viện
“Theo hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, thai quá ngày sinh, hay còn gọi là thai già tháng, “chửa trâu” (từ dân gian) là thai quá 287 ngày, tức 41 tuần thai, tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối. Thai quá ngày được xếp vào nhóm “thai kỳ có nguy cơ cao”. Nếu tuổi thai đã vượt giới hạn trên mà không có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ cần được nhập viện để tiến hành các kiểm tra cần thiết và xử lý kịp thời các biến chứng” - BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết.
Theo BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV Từ Dũ, cần phân biệt rõ thuật ngữ “thai quá ngày” trong y khoa và các trường hợp ngày sinh thật có chút xê dịch so với ngày dự sinh ban đầu. Ông phân tích: “Một thai kỳ bình thường kéo dài chừng 38-42 tuần, tức ngày sinh thực sự có thể di động trong khoảng đó, tùy theo từng người.
Đăng ký khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM
Ngày dự sinh là ngày mà BS - thông qua ngày đầu kỳ kinh cuối của thai phụ, hoặc qua siêu âm thai trong những tuần lễ đầu, sẽ dự kiến theo xác suất thống kê, để thai phụ có sự chuẩn bị cần thiết. Ngày dự sinh thường rơi vào tuần thứ 40, tương đương “9 tháng 10 ngày” theo cách tính dân gian. Vì vậy, việc ngày sinh thật có trễ hơn ngày dự sinh một vài ngày thì chưa hẳn là thai quá ngày.
Còn để chứng minh chính xác một bào thai là quá ngày, chỉ có thể chờ em bé được sinh ra và có các biểu hiện đặc trưng như da nhăn nheo, móng tay dài hơn, mỡ dưới da ít hơn, chỉ tay, chỉ chân dài hơn, trẻ nhỏ (do suy dinh dưỡng) hoặc lớn hơn so với trẻ bình thường… Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho trẻ và sản phụ, cho nên dù khoảng xê dịch là 38-42 tuần nhưng thai quá 41 tuần BS đã cho nhập viện”.
Nguy cơ cho thai nhi lẫn sản phụ
Theo BS Thông, nguy cơ lớn nhất của thai quá ngày là tình trạng suy thai, biểu hiện em bé bị thiếu dinh dưỡng, thiếu ôxy, suy giảm những hoạt động cơ bản của cơ thể do máu đến nuôi thai kém, trao đổi chất kém vì bánh nhau đã già, thoái hóa. Tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi suy thai là em bé tử vong ngay trong bụng mẹ.
Nếu may mắn qua khỏi, đứa bé cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ như suy dinh dưỡng, thể chất và đề kháng kém. Mối nguy hiểm còn tồn tại trong cuộc sinh, vì đứa bé quá ngày thường to con, nếu sinh tự nhiên thì sản phụ sẽ sinh khó, có thể gặp tai biến sản khoa, đứa bé cũng đối diện với tình trạng ngạt sau sinh, gặp các sang chấn do kích thước “quá khổ” của mình.
BS Hải cho biết thai phụ mang thai quá ngày thường được khuyên nhập viện để xác định các yếu tố như thai nhi đã trưởng thành chưa, sức khỏe thai nhi có bị đe dọa, có đủ sức chịu được cuộc chuyển dạ hay không. Kích thước thai, lượng nước ối sẽ được kiểm tra và có thể sẽ làm một “cuộc chuyển dạ nhân tạo” bằng thuốc gây cơn gò để xác định xem em bé có chịu đựng cuộc chuyển dạ thật hay không.
Còn theo BS Thông, trong nhiều trường hợp, để chắc chắn an toàn, thai phụ sẽ được chỉ định mổ lấy thai. Đặc biệt là nếu phát hiện tình trạng thiểu ối, suy tuần hoàn nhau thai thì không thể kéo dài, phải cho em bé chào đời càng sớm càng tốt.
BS Hải lưu ý, để dự phòng thai quá ngày, thai phụ nhớ rõ ngày đầu tiên của kỳ kinh chót để tính ngày dự sinh. Trong trường hợp không nhớ hoặc có vòng kinh không đều hay quá dài, nên sớm đi khám thai ngay khi biết mình mang thai để BS tính toán giúp ngày dự sinh.
Lưu ý khi có tiền căn thai quá ngày
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, thai quá ngày không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên trong chuyên môn người ta lưu ý đến “tiền căn sản khoa”. Nếu đã từng mang thai quá ngày, người phụ nữ nên đặc biệt cảnh giác trong những lần mang thai sau vì tình trạng này có thể lặp lại.
Thai quá ngày cũng cần được xử lý ở các bệnh viện tuyến trên, có đầy đủ phương tiện kỹ thuật để chăm sóc mẹ và bé, vì đây thường là cuộc sinh khó. Với thai trên 40 tuần mà vẫn chưa sinh, thai phụ nên khám hằng ngày để kịp thời xử trí. |
Bình luận (0)