xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những chấn thương "câm lặng"

ANH THƯ

Đáng lo nhất vẫn là tình huống chấn thương chưa bộc lộ ngay mà chỉ bắt đầu xuất hiện triệu chứng sau một thời gian

Lúc nào đi đón con trai học lớp 1, anh N.V.N.M (35 tuổi; ngụ quận 8, TP HCM) cũng cẩn thận mang theo mũ bảo hiểm và một chiếc áo jeans dài tay cho cậu bé. "Cũng vì không đội mũ bảo hiểm mà năm ngoái, con tôi đã bị chấn thương sọ não do tai nạn xe máy" - anh M. cho biết.

Tai nạn giao thông, sinh hoạt

Lần đó, con anh M. đi cùng mẹ. Bé ngồi yên sau, người mẹ đã cẩn thận buộc chặt con bằng dây đai vào lưng mình. Tuy nhiên, khi xảy ra va chạm, chị bị văng xuống đường ở tư thế nghiêng, hơi ngả ra sau. Do đó, cháu bé đã bị va chạm mạnh với mặt đường. Bé khóc rất dữ nhưng sau đó lại nín và không cho thấy điều gì bất thường ngoài một vết trầy ở trán và tay.

Sau mấy hôm, khi ngủ trưa dậy, bé than mệt và bắt đầu nôn ói, cứ đòi ngủ tiếp, than mỏi tay chân. Nhìn vết thương mới liền da trên trán con và nhớ lại một bài báo y khoa từng đọc, vợ chồng anh M. vội đưa cậu bé đi chụp CT. Nhờ vậy, bé đã được điều trị chấn thương não kịp thời, không bị di chứng.

Những chấn thương câm lặng - Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyên phụ huynh nên cho trẻ em đội loại mũ bảo hiểm phù hợp khi tham gia giao thông Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mới đây, một nghiên cứu của nhóm tác giả Hoàng Nguyên Lộc, Võ Quốc Bảo, Lâm Trung Hiếu, Hà Mạnh Tuấn, Phạm Văn Quang - thuộc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 và Bộ môn Nhi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) - được trình bày tại Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ 10 của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phân tích trên tất cả các ca trẻ em bị chấn thương sọ não tại BV Nhi Đồng 2 từ năm 2015 đến 2016. Trong 341 trường hợp được ghi nhận, 49% chấn thương sọ não do té ngã và 44,9% do tai nạn giao thông. Đáng chú ý, có đến 76,5% các ca tai nạn giao thông liên quan đến xe máy và chỉ 5,2% trẻ trong số này được đội mũ bảo hiểm.

Nhóm nghiên cứu nêu rõ: "Chấn thương sọ não có thể xảy ra bất kỳ nơi nào như trên đường đi, trong nhà, trong lớp học, khu vui chơi, khu tập luyện thể dục thể thao... và xảy ra bất kỳ lúc nào, đưa đến những hậu quả đáng tiếc. Trẻ bị di chứng sau chấn thương sọ não có chất lượng cuộc sống không như mong muốn, đồng thời là gánh nặng của gia đình và xã hội". Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chỉ ra vấn đề bệnh nhi được vận chuyển trên quãng đường xa, không có phương tiện hỗ trợ và bác sĩ đi kèm cũng đối mặt nguy cơ khi đến được nơi cấp cứu thì chấn thương đã nặng thêm.

Tỉ lệ tử vong trong nghiên cứu nêu trên được ghi nhận là 3,52% các trường hợp. Đối chiếu với các nghiên cứu ở Anh, Mỹ thì tỉ lệ này cao hơn nhiều. Ví dụ, nghiên cứu của tác giả Qualie ở Mỹ trên nhóm chấn thương sọ não có chụp CT scan chỉ là 0,34%. "Cần thêm những nghiên cứu các yếu tố góp phần làm tỉ lệ tử vong cao do chấn thương sọ não ở trẻ em tại Việt Nam" - nhóm tác giả đề xuất.

Tốt nhất là phòng ngừa

BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cảnh báo phụ huynh nên cẩn thận theo dõi con em mình nếu trước đó trẻ bị té ngã, đầu va đập mạnh. Ở cả người lớn lẫn trẻ em, một số trường hợp chấn thương sọ não biểu hiện muộn, có khi đến 15 ngày sau mới xuất hiện các dấu hiệu bất thường như nôn ói, tinh thần chậm chạp, lơ mơ, mạch chậm... Không ít trường hợp người nhà không nghĩ rằng đó là chấn thương sọ não do cú ngã đã xảy ra 1-2 tuần trước, dẫn đến việc cố cạo gió, xức dầu, xoa bóp... thay vì đưa bệnh nhân vào viện.

"Có thể hình dung đơn giản là máu do chấn thương chảy ra từ từ, tạo thành khối máu tụ, đến một lúc nào đó sẽ to ra, đủ để gây ra hiện tượng chèn ép. Tình trạng này nếu không giải quyết kịp sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong" - BS Ánh lý giải.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, để đề phòng tình huống xấu, nên dạy trẻ tránh xa các trò nghịch dại, leo trèo không an toàn. Cần theo sát khi trẻ ra ngoài đường dù chỉ là đi bộ; có thể dạy trẻ những điều cơ bản về cách cư xử, những điều cần biết khi ngồi trên xe hơi, xe máy để tránh tai nạn đáng tiếc.

Nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ

Nhiều phụ huynh ngại đội mũ bảo hiểm cho trẻ vì có một số ý kiến cho rằng đội một vật nặng sẽ khiến hệ xương khớp, cột sống… còn non nớt bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, trẻ em khi đã tham gia giao thông thì nên được đội mũ bảo hiểm. "Có loại mũ dành cho trẻ em, độ rộng và cân nặng phù hợp nên các bậc cha mẹ không phải lo lắng" - ông khuyên.

Ngoài ra, việc chọn một chiếc mũ bảo hiểm phù hợp, chất lượng tốt cũng là điều cần lưu ý bởi nó chỉ có tác dụng bảo vệ khi vẫn nằm cố định trên đầu lúc trẻ té ngã và có khả năng chịu va đập.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo