Thuốc kháng axít là những loại dược phẩm có nhiệm vụ thực hiện một phản ứng trung hòa hydrochloric acid tiết ra trong dịch tiêu hóa ở dạ dày; nó cũng hoạt động như một chất đệm cho axít dạ dày bằng cách làm tăng độ pH nhằm giảm tính axít ở dạ dày. Khi dạ dày có quá nhiều axít sẽ gây ra hiện tượng đau, lở loét hệ tiêu hóa... Vì vậy, những loại thuốc kháng axít được chỉ định dùng để giảm đau và khó chịu trong các rối loạn về hệ tiêu hóa. Những loại thuốc kháng axít “đình đám” nhất phải kể tới aluminium hyfroxide, calcium carbonate, magnesium hydroxide, sodium carbonate...
Thực tế, có những trường hợp “trục trặc kỹ thuật” ở hệ tiêu hóa là do lượng axít ở dạ dày thấp, thiếu các loại enzyme tiêu hóa, thức ăn không được nhai kỹ trước khi nuốt nên lượng thức ăn này sẽ “đình công” tại bộ máy tiêu hóa và “nằm vạ” ở đấy lâu hơn bình thường. Kết quả là thực phẩm sẽ được lên men và sinh ra khí độc. Nếu khí độc này tràn ra thực quản có thể gây nên những cơn đau ngực dữ dội và bệnh nhân tưởng lầm là đau tim. Đồng thời, axít sẽ tràn vào thực quản, gây ra cảm giác nóng rát mà ta thường gọi là ợ nóng, ợ chua.
Trong những trường hợp ợ nóng, sử dụng loại thuốc kháng axít có thể tạm thời cải thiện được cảm giác nóng rát vì như đã nói, những thuốc này có tác dụng làm giảm axít dạ dày, thế nhưng sau đó lại bị “tổ trác” bởi do thiếu axít ở dạ dày nên sự tiêu hóa không đúng cách sẽ xảy ra, dẫn đến tình trạng thực phẩm lại bị lên men, tạo ra vòng luẩn quẩn. Nếu tiếp tục sử dụng thuốc kháng axít thì dạ dày sẽ bị thiếu axít dẫn đến những khiếm khuyết trong quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng, nhất là vitamin nhóm B và sắt. Axít trong dịch tiêu hóa còn có thêm chức năng tiêu diệt một số vi khuẩn có trong thức ăn. Nếu cứ bị thuốc kháng axít trung hòa hết axít thì dạ dày sẽ “nổi cáu” và trả đũa bằng cách tiết ra nhiều axít hơn. Vì vậy, sử dụng thuốc kháng axít một cách vô tội vạ thì chẳng khác nào tự chuốc họa vào người!
Ngoài ra, bản thân các loại thuốc kháng axít còn có những tác dụng phụ đáng lưu ý như sau:
Muối nhôm: Những muối nhôm sẽ can thiệp vào sự hấp thu của phốt phát nên có thể gây táo bón, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, gây tổn hại xương. Muối nhôm càng trở nên “khó ưa” hơn đối với những người bị các bệnh về thận, xương và Alzheimer.
Muối canxi: Nếu sử dụng không đúng cách, các muối canxi có thể gây táo bón, bệnh về đường tiểu, nhức đầu, thay đổi tâm trạng, yếu cơ, ói mửa...
Sodium bicarbonate: Chất này có tác dụng nhuận tràng, làm thay đổi huyết áp, gây sưng chân...
Magnesium hydroxide: Lưu ý khi sử dụng thuốc này ở những bệnh nhân suy thận, tim mạch và bị biến chứng thần kinh.
Ngoài những tác dụng phụ nguy hiểm kể trên, các thuốc kháng phốt phát còn làm thay đổi tính sinh khả dụng của một số loại thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng sinh như tetracycline, thuốc kháng nấm như ketoconazole...
Bình luận (0)