Theo ông Lê Tường Giao , Trưởng Khoa VLTL-PHCN, điều quan trọng là phải giữ cho chân của cháu bé được thẳng để sau này có thể lắp chân giả và tập đi. Từ khi xuất viện, người nhà vẫn được hướng dẫn quấn chân bé lại hoặc may một dụng cụ như chiếc váy bó để giữ chân được thẳng, cùng với một số bài tập trị liệu. Trước đó, trong ca mổ cấp cứu, các BS của Khoa Chấn thương Chỉnh hình cũng đã cố gắng giữ được phần mỏm cụt để dễ dàng cho việc sử dụng chân. Huy có thể được lắp chân giả khi được 12-13 tháng tuổi và là bệnh nhi nhỏ nhất ở BV Nhi Đồng 1 được thực hiện kỹ thuật này. Ở tuổi của Huy, chân giả phải thay khá thường xuyên, có khi 6 tháng một lần và phải được theo dõi ít nhất cho đến khi 18 tuổi.
ThS-BS Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh, cho biết BV đã nhận được lời hứa giúp đỡ của các đồng nghiệp người Mỹ trong việc làm chân giả cho Huy, một điều mà kỹ thuật hiện tại của Việt Nam khó đáp ứng đối với bệnh nhi nhỏ như Huy. Họ sẽ hỗ trợ ở mức giá phải chăng và phía BV cũng sẽ hỗ trợ thêm để miễn phí cho bé.
Cha của bé Huy, anh Nguyễn Văn Nam - người cũng bị mất một phần chân phải trong tai nạn - hiện đã đi lại được sau vài tháng được BV STO Phương Đông tặng chân giả và hướng dẫn tập vật lý trị liệu.
Bình luận (0)