xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xoa dịu nỗi ám ảnh

Bài và ảnh: ANH THƯ

Bị xâm hại tình dục là một cơn ác mộng lớn đối với trẻ em và nếu không được điều trị, nó có thể trở thành nỗi ám ảnh lâu dài

Những vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em thường khiến mọi người phẫn nộ, mong muốn một phán quyết hợp lý, hợp tình từ phía cơ quan chức năng để lấy lại công bằng cho đứa trẻ và an ủi phần nào những người cha, người mẹ đang đau khổ vì con bị hại.

Đeo đẳng suốt đời

Đối với các nạn nhân - có khi còn đang tuổi ăn, tuổi chơi, không biết mình vừa trải qua điều gì - những phiên tòa nhiều khi chỉ là chuyện của người lớn. Nhưng nỗi ám ảnh sẽ đeo bám các em, biểu hiện qua những giấc ngủ không yên, những nỗi sợ hãi vô cớ, dần dà trở thành cơn ác mộng lớn ở tuổi trưởng thành khiến các em không bao giờ có được một tình yêu, một đời sống lứa đôi trọn vẹn.

 

Tư vấn cho bệnh nhân tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM

Tư vấn cho bệnh nhân tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM

 

Vừa qua, một số báo đưa tin trường hợp của cô bé Q. (8 tuổi) cùng gia đình đang phải trải qua những ngày khổ sở chờ đợi kết luận điều tra không chỉ bởi có những kẻ luôn hăm dọa yêu cầu bãi nại mà còn vì cô bé luôn ở trạng thái tâm lý bất ổn, học hành sa sút, hay khóc thét trong giấc ngủ mỗi đêm… Những bác sĩ (BS) từng làm việc trong các đội ngũ giám định y khoa nói rằng trạng thái đó, họ đã gặp ở nhiều nạn nhân khác.

“Có những bé tỏ ra rất sợ hãi, không chịu để người khác đến gần, chạm vào mình. Đau lòng hơn, có những cô bé còn quá nhỏ, hoàn toàn không ý thức được mình đã bị hại” - BS Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa Bệnh viện (BV) Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, người từng nhiều năm trong đội ngũ giám định khi còn công tác tại BV Từ Dũ, cho biết. Một chuyên gia khác, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM - kể: “Nhiều em nhỏ bước vào phòng giám định cứ co rúm người lại, có những em thì bị kích động, la khóc. Các em sợ người lạ, sợ cả giám định viên. Nhiều lúc, chúng tôi phải dỗ mãi, dùng hết các biện pháp nghiệp vụ của một BS chuyên khoa tâm thần để ổn định tâm lý các em…”.

Nỗi sợ hãi thường bộc lộ rất nhiều năm sau đó. Tại đơn vị tư vấn tình dục của một BV phụ sản, một phụ nữ giấu tên (31 tuổi) cho biết chị phải vào khám vì đã kết hôn 2 tháng nhưng mỗi lần làm chuyện vợ chồng, chị vẫn thấy vô cùng đau đớn, thậm chí ghê sợ chồng mình khiến việc chăn gối không được suôn sẻ. Sau lần bị xâm hại hồi năm 13 tuổi, chị từng chạy trốn nhiều cuộc tình ngay sau khi người yêu có cử chỉ ôm ấp quá thân mật. Cuối cùng, tưởng như chị đã tìm được bến đỗ với một người bạn trai rất tin tưởng nhưng không, cứ mỗi lần “gần gũi” thì ký ức khủng khiếp ngày nào lại ùa về.

Hãy tạo sự an tâm cho trẻ

Theo BS Dương Phương Mai, trẻ em bị xâm hại thường bị thương tổn cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi đó, vai trò của người mẹ hay người bà, người dì - phải là người phụ nữ mà bé tin tưởng - sẽ rất quan trọng. Người đó cần ở bên cạnh trẻ thường xuyên vì khi có mặt người đó, bé sẽ an tâm hơn và tâm lý dần được ổn định. Nên để mọi chuyện qua đi, tránh khơi gợi lại và nhất là không được trách móc trẻ. Nhiều trẻ nhỏ bị xâm hại sau khi bị dụ dỗ cho tiền, cho bánh kẹo, cho quà… là do trẻ ở độ tuổi chưa nhận thức được, thậm chí không biết hành vi kẻ xấu đang làm là hành vi xâm hại, chứ không phải lỗi của trẻ. Nên nói với trẻ đó chỉ là một tai nạn.

“Cần khéo léo giúp trẻ phòng tránh những sự cố tương tự bằng những lời dặn dò hợp với tuổi, ví dụ ở trẻ còn quá nhỏ thì có thể dặn trẻ không được cho người lạ ngoài cha mẹ chạm vào những vị trí nhạy cảm trên cơ thể… song cũng đừng tạo cho trẻ sự sợ hãi khiến trẻ nghĩ xung quanh chỉ toàn người xấu, đàn ông chỉ toàn người xấu… Việc đề phòng thái quá cũng bất lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ” - BS Mai khuyên.

“Tâm lý của nạn nhân thường chuyển từ giai đoạn có xu hướng kích động, đề phòng thái quá đối với người xung quanh sang giai đoạn luôn cảm thấy sợ sệt, người co rúm, lo âu, rối loạn trầm cảm. Nguy hiểm hơn có thể là những cơn rối loạn hoảng loạn cấp dẫn đến hành vi kích động, tự hủy hoại, thậm chí là tự tử. Đối với trẻ em, những rối loạn tâm thần - tâm lý sau “cơn ác mộng” có thể còn phức tạp hơn, có nguy cơ trở thành nỗi ám ảnh kéo dài đến tuổi trưởng thành nếu không được can thiệp. Việc sống chung với những vấn đề đó cũng khiến các em học hành sa sút, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý. Nhìn chung, nếu con trẻ đã có những biểu hiện như những cơn ác mộng kéo dài, la khóc về đêm… thì nên được đưa đến BS chuyên khoa” - BS Quang khuyến cáo.

 

Giúp trẻ vượt qua mặc cảm

Theo ThS Trần Thị Yến Nhi, Đơn vị Tâm lý Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, cần giúp trẻ vượt qua nỗi mặc cảm “có lỗi”. Bởi lẽ, dù là nạn nhân nhưng những đứa trẻ khi bị xâm hại thường rơi vào trạng thái tâm lý tự dằn vặt, cho rằng mình không tốt nên mới xảy ra chuyện, cảm thấy xấu hổ, chán ghét bản thân... Nên giúp trẻ bộc lộ những lo âu, sợ hãi hiện có và có lời khuyên, giải thích phù hợp để giải phóng nỗi lo đó. Phụ huynh có thể đưa bé đến gặp các BS tâm thần, chuyên viên tâm lý nếu nhận thấy việc giúp con trở lại cuộc sống bình thường có quá nhiều khó khăn. Trong mọi trường hợp, các rắc rối tâm lý cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo