Chúng tôi thật sự bị bất ngờ khi nhận được cuốn sách nặng trĩu có tựa “Kế hoạch bài dạy tháng 10 năm học 2003-2004” của các giáo viên (GV) khối lớp 2 Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Q. Tân Bình - TPHCM) với độ dày 210 trang. Chỉ trong 1 tháng (tháng 10-2003), GV lớp 2 phải soạn khoảng 100 giáo án, bình quân 5 giáo án/ngày!
Hiệu phó chỉ đạo làm giáo án để... ngắm (!)
Cuốn sách được đánh máy vi tính, đóng bìa cứng, giấy kiếng đẹp mắt. Để mỗi tháng có một tập giáo án như thế ắt hẳn GV phải tốn một khoản tiền không nhỏ. Các GV cho biết đã chi 100.000 đồng (dù lương GV tiểu học rất khiêm tốn) cho hoạt động chuyên môn này mỗi tháng. Khi chúng tôi hỏi mục đích của việc in cuốn giáo án tháng này thì nhận được câu trả lời: “Làm đẹp cũng chỉ bỏ đó thôi!”. GV tự nguyện hay bị bắt buộc? “Ồ, không! Do hiệu phó chỉ đạo phải làm” - các GV trả lời. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi vì sao lại có chuyện lạ như thế? Một GV giải thích: “Chúng tôi dạy xong các tuần lễ của tháng 10 rồi thì nhận được chỉ đạo từ ban giám hiệu nộp giáo án lại để đóng tập. Giáo án đóng tập xong từ văn phòng chuyển về GV ngày 14-11. Như vậy đóng tập cho đẹp rồi bỏ đó... ngắm thôi!”.
Dự giờ đột xuất: Xúc phạm nhân phẩm giáo viên!
Cũng tại trường này, ban giám hiệu có quyền dự giờ đột xuất trong bất cứ tiết dạy nào của GV. Chúng tôi nhận được “Bản tường trình” của một GV sau khi bị dự giờ đột xuất với lời lẽ còn nhiều xúc động: “...Tiết học vừa chấm dứt xong, cô H. (hiệu phó) yêu cầu mang vở bài tập tiếng Việt xuống kiểm tra và yêu cầu giờ ra chơi xuống góp ý tiết dạy... Cô H. góp ý như tát nước vào mặt... Trong lúc xúc động tôi có ký vào biên bản nhưng chưa đọc...”.
Các GV cho rằng dự giờ là hoạt động chuyên môn bình thường trong nhà trường để giúp GV rút kinh nghiệm dạy tốt hơn, nhưng cũng nên cho GV biết trước 1 ngày để ổn định tâm lý học sinh và cả bản thân GV. Việc dự giờ đột xuất không thông báo trước hoặc có thông báo trước vài phút là chưa tôn trọng GV. Giống như vào nhà thì phải gõ cửa vậy. Một số GV bị ức chế tâm lý nên không thể nào dạy tốt tiết đó được. Chưa kể nhiều GV có cảm giác mọi hoạt động của mình luôn có kẻ dòm ngó, rình rập nên không thoải mái khi đứng lớp.
Mới đây, bà Hoàng Thị Hồng Hải, Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Tân Bình, trả lời Báo Người Lao Động là phòng không chủ trương chạy theo hình thức, bãi bỏ và sửa một số quy định không cần thiết để phát huy tính chủ động, sáng tạo của GV. Thế nhưng tại sao Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm vẫn tồn tại các việc trên?
GV đi sát giờ cũng bị trừ điểm thi đua
Tại Q. Gò Vấp, vừa qua Phòng GD-ĐT đã bãi bỏ một số sổ sách, cuộc họp không thật cần thiết và rất được dư luận GV hoan nghênh. Thế nhưng, tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân vẫn còn một số quy định không được GV đồng tình. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được biết mới đây Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã ban hành “Biểu điểm thi đua đợt II từ ngày 10-11-2003 đến 31-1-2004”, trong đó có một số quy định rất vô lý. Chẳng hạn, GV “đi sát giờ làm việc bị trừ 0,5 điểm/lần; nghỉ có xin phép trước trừ 2 điểm/buổi, xin phép sau trừ 4 điểm/buổi; học sinh lỡ bị tai nạn thì GV chủ nhiệm bị trừ 5 điểm/lần... Việc đánh giá GV vẫn dựa chủ yếu vào chỉ tiêu học sinh khá, giỏi, ví dụ GV được cộng 4 điểm nếu có 80% bài môn tiếng Việt và 85% bài môn toán đạt loại khá giỏi; cộng 3 điểm nếu có 70% - 79% bài môn tiếng Việt và 75% - 84% bài môn toán đạt khá giỏi; cộng 2 điểm nếu có 60% - 69% bài môn tiếng Việt và 60% - 74% bài môn toán đạt khá, giỏi...
Một số GV của trường này đề đạt nguyện vọng: “Rất mong các cấp lãnh đạo ngành GD-ĐT quan tâm lên tiếng để giúp GV chúng tôi có thể dồn hết tâm trí cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ...”.
Bình luận (0)