Bức tranh về đời sống xã hội và tình cảm của con trai lại càng ảm đạm hơn. Con trai chiếm tỉ lệ rất cao trong tai nạn giao thông. Trong năm 1998, trong số 446 trường hợp tự tử có tới 364 con trai. Một cuộc khảo sát cách đây không lâu do Trung tâm Sức khỏe Thanh niên Melbourne tiến hành cho thấy 25% con trai cảm thấy không có người nói chuyện khi chúng giận dữ hoặc bất mãn, trong khi ở phái “đối diện” con số đó chỉ là 13%.
Tiến sĩ Tim Hawkes - tác giả quyển Boy oh Boy (một quyển sách hướng dẫn cha mẹ nuôi nấng, giáo dục con trai) đã bày tỏ sự quan ngại như sau: “Chỉ một số con trai (rất ít) vượt qua thời thơ ấu và trưởng thành ít căng thẳng. Còn lại, đa số con trai phải vất vả trong hai lĩnh vực học hành và tình cảm”.
Cũng theo tiến sĩ Tim Hawkes thì các bậc cha mẹ đã xem nhẹ những trục trặc trong tâm hồn của các cậu và đã không chịu can thiệp đúng lúc. Thực tế cho thấy là dù học bất cứ môn học nào, khả năng viết, đọc nhanh, hiểu bài, tự diễn tả, trình bày bài học một cách rõ ràng là điều rất cần thiết trong lớp học cũng như phòng thi. Trong khi những kỹ năng này được các cô phát huy tối đa thì các cậu vẫn còn vất vả lắm.
Các nhà nghiên cứu Úc vừa phát hiện ra rằng con trai 5 tuổi chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm lý đến trường và cảm thấy khó thích ứng với giờ giấc trong lớp và thời hạn làm bài. Trong vòng một hoặc hai năm, khả năng học hành của chúng bắt đầu sụt giảm, khả năng phối hợp và tập trung chú ý kém hơn bạn gái cùng lớp.
Cũng theo tiến sĩ Tim Hawkes, con gái luyện tập và trau dồi khả năng đọc, viết thường xuyên bằng cách đọc và nói. Một nữ sinh trung bình nói khoảng 20.000 từ một ngày trong khi một nam sinh chỉ nói được 7.000 từ. Trong giờ chơi ở trường học, ông chú ý thấy con gái thích ngồi xuống thành nhóm và nói chuyện huyên thuyên. Bằng cách đó, các cô gái đã phát triển và rèn luyện khả năng ngôn ngữ, trong khi đó thì đám con trai chỉ lo quanh quẩn trong sân banh nên ngôn ngữ của chúng chỉ giới hạn trong chuyện giao tranh bóng, thất bại hay chiến thắng.
Những năm tháng dậy thì là một thời kỳ đau khổ đối với con trai lẫn con gái. Chúng luôn có những băn khoăn lo lắng về cơ thể, tò mò về tình dục và luôn luôn phát sinh những mâu thuẫn giữa chúng và cha mẹ về cách sống, cách suy nghĩ. Thế nhưng, trong khi các cô gái bày tỏ nỗi lo lắng với bạn bè, khóc lóc kể lể và sau đó thấy nhẹ nhõm cõi lòng thì đám con trai lại nghĩ rằng chúng cần phải “cứng rắn”, cần phải thích ứng hoàn cảnh một mình. Điều này rất dễ dẫn đến chứng trầm cảm và trong trường hợp xấu nhất, chúng trở nên tuyệt vọng đến mức có thể tự sát.
Các nhà nghiên cứu giáo dục Úc khuyến cáo rằng, các bậc phụ huynh cần quan sát hình ảnh đàn ông do chính họ vẽ nên, nhất là trong lĩnh vực thông tin. Trong phim ảnh, khi đứng trước một nghịch cảnh bi đát thì “người hùng” luôn nghiến chặt quai hàm, mắt tóe lửa rồi nhảy phóc lên một chiếc xe xả hết tốc lực và lao đi trả thù. Hình ảnh này đã chi phối rất lớn vài suy nghĩ của các cậu thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, ngay từ nhỏ, cha mẹ đã đối xử một cách cứng rắn đối với các cậu con trai. Họ nói rằng, con trai thì không được “mít ướt” như con gái. Chính quan niệm đó đã tước mất một trong những cơ cấu thích ứng quan trọng trong việc đương đầu với thất bại và bi kịch.
Bình luận (0)