Các protein thực hiện những chức năng cơ bản như thải độc, cương nhiễm khuẩn và chuyển hóa thực phẩm. Khi có bệnh, các protein xuất hiện trong máu, một số là các hoóc-môn hay kháng thể, số khác đến từ các tế bào bị phá hủy hay vi khuẩn xâm nhập. Bằng việc lấy máu bệnh nhân để phân tích, các nhà khoa học tin rằng họ sẽ sớm tạo ra được một công cụ xét nghiệm phổ biến, có thể phát hiện nhiều loại bệnh với độ chính xác cao hơn các phương pháp chẩn đoán hiện nay.
Mục tiêu của việc phân tích là tìm ra các ''điểm ghi dấu sinh học'' (biomarker). Ví dụ, mức enzyme amylase cao là một chỉ dẫn tốt của bệnh về tuyến tụy, hay có những loại enzyme dự báo bệnh tim. Các nhà khoa học đang tìm kiếm các điểm ghi dấu sinh học khác, trong đó một số chỉ ra những bệnh hiểm nghèo. Tiến sĩ Adrian Woolfson và đồng nghiệp tại Trường Đại học Cambridge lại đi theo hướng khác. Thay vì xác định riêng từng biomarker để nhận dạng từng loại bệnh, họ bắt đầu phân tích các mẫu của nhiều biomarker trong máu. Sau khi kết hợp hàng trăm ngàn loại protein của người, họ tìm thấy khoảng 300 loại có thể nhận biết hầu hết các bệnh. Bằng việc đo lường mức độ của mỗi protein này, họ có thể chỉ ra một dấu hiệu, giống như mã vạch, duy nhất cho từng bệnh hiểm nghèo. Đây sẽ là bước ngoặt trong việc chẩn đoán bệnh lý trong tương lai.
Các nhà khoa học đang nỗ lực hoàn thiện phương pháp này. Mới đây Trường Đại học Cambridge đã cấp bằng phát minh cho Công ty Công nghệ sinh học Protein Logic ở Cambridge, do việc thiết lập một cơ sở dữ liệu lớn cho các protein “mã vạch”. Các máy tính có thể dựa vào cơ sở này để tìm kiếm các mẫu chẩn đoán chính xác. Càng có nhiều mẫu ''mã vạch” trên cơ sở dữ liệu, tỉ lệ thành công càng cao. Công nghệ này rất có lợi cho các nước nghèo, nơi trang bị y tế thiếu thốn. Ông Woolfson muốn phát triển một thiết bị chẩn đoán xách tay, có thể dễ dàng dùng tại nhà, và ông gọi đó là ''bác sĩ trên que thử”. Mặc dù việc xét nghiệm chẩn đoán không thể thay thế bác sĩ, nhưng nó có thể giúp những người nghèo khỏi gánh nặng viện phí và giúp cho nhiều người không phải lên bàn mổ khi chưa thực sự cần thiết.
Bình luận (0)