Dù chưa phải là người cao niên nhất thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), nhưng ông Hồ Quang Trung cũng đã 72 năm sống và làm nghề bánh tráng ở làng này. “Cái nghề này làm giàu thì khó, nhưng được cái là lúc nào cũng có công ăn việc làm, có đồng ra đồng vô, sống được” – ông Trung nói.
Nếu cả xã Hòa An có 360 hộ theo nghề bánh tráng, thì riêng Đông Bình có trên 120 hộ theo nghề này. Trưởng thôn Hồ Như Thảo, một trong bốn người con của ông Hồ Quang Trung, cũng là một “chuyên gia” làm bánh tráng, cho biết: Bánh tráng Đông Bình ngoài cung cấp cho thị xã Tuy Hòa và một số nơi trong tỉnh, còn tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi trong nước như Cam Ranh, Nha Trang (Khánh Hòa), Ban Mê Thuột (Daklak), Gia Lai, Bình Định... “Hiện tại, mỗi ngày một lò bánh tráng ở thôn này sản xuất được khoảng trên dưới 2.000 cái; mùa Tết thì 2.500-3.000 cái/ngày, nhưng không đủ bán” – ông Thảo nói thế.
Nhiều người sử dụng bánh tráng Đông Bình nhận xét: Bánh được tráng rất đều, tròn đẹp; nướng giòn, nhúng dẻo, thơm ngon.
5 tỉ đồng cho “khu chế xuất” bánh tráng
Đông Bình cũng có hàng chục thợ tráng bánh lành nghề, nhưng không ai làm giàu được bằng nghề này. Đó chính là lý do quan trọng để Hội Nông dân Việt
Theo ông Phan Kim Việt, Trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng, chính thức khởi động vào cuối năm 2002. Khi dự án này hoàn thành, bánh tráng Đông Bình sẽ không làm theo hộ gia đình, cá thể như lâu nay nữa, mà tất cả sẽ được chuyển sang “khu chế xuất” tập trung rộng khoảng 5 ha đang quy hoạch tại địa phương này. “Sẽ có trên 100 hộ gia đình được tham gia vào dự án” – ông Việt cho biết thêm – “Nghĩa là trong làng nghề tập trung này chúng tôi sẽ quy hoạch thành 100 xưởng sản xuất nhỏ. Mỗi xưởng “con” này sẽ có một sân phơi tiêu chuẩn, một lò sấy, một khu sơ chế tinh bột, một khu phụ trợ và nhà sản xuất. Dự án cũng sẽ xây dựng một đường giao thông nối với trục lộ, làm hệ thống nước cung cấp và hệ thống xử lý môi trường, đảm bảo cho làng nghề hoạt động sản xuất chính quy theo một dây chuyền kiểu công nghiệp”.
Xây dựng thương hiệu xuất khẩu
Ông Phan Kim Việt cho biết: “Một “hạng mục” quan trọng của dự án là từng bước xây dựng thương hiệu “Bánh tráng Đông Bình” để xuất khẩu. Bởi khi sản xuất tập trung, trong đó có khoảng 30% số xưởng sẽ làm hoàn toàn bằng công nghiệp, thì lượng bánh sẽ rất lớn”.
Được biết, hiện nay bánh tráng Việt Nam đã xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ. Thương hiệu duy nhất xuất khẩu hiện nay là “Bánh tráng Củ Chi” (TPHCM). Dự kiến đầu năm 2003, một đoàn gồm các cán bộ dự án và một số người làm bánh tráng ở Đông Bình sẽ làm một chuyến tham quan làng bánh tráng Củ Chi để học hỏi kinh nghiệm sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.
Ông Hồ Quang Trung, nhân vật ở đầu bài viết này, bày tỏ: “Khi nghe dự án này, người dân Đông Bình mừng lắm. Không chỉ mừng vì chuyện có thể giàu lên từ cái nghề cha ông để lại, mà còn tự hào vì cái sản phẩm dân dã của quê mình có tên có tuổi đàng hoàng, được “đi” cả ra nước ngoài. Mừng nhưng cũng lo lắm, bởi xưa nay, dù làm thủ công nhưng bánh tráng làng này chưa hề bị ế. Còn sắp tới, khi làm theo kiểu công nghiệp, bánh nhiều, mà thị trường hẹp – tỉ như chuyện dân ta trồng dưa để xuất sang Trung Quốc mà bạn không chịu mở cửa khẩu, chờ mấy ngày dưa thối, phải đem đi đổ vậy – thì “mệt” cho bà con lắm!”
Bình luận (0)