Thầy Lê Quang Tuyền, giáo viên bộ môn giải phẫu Trung tâm Ðào tạo Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM, đạt giải đặc biệt
Trăn trở, đổi mới phương pháp giảng dạy
Năm 1987, tốt nghiệp loại giỏi, thầy Lê Quang Tuyền được Trường Trung học Y tế giữ lại và cử đi học Ðại học Y khoa. Năm 1996 tốt nghiệp, thầy trở về trường (lúc này là Trung tâm Ðào tạo Bồi dưỡng cán bộ y tế) và bắt đầu sự nghiệp dạy học từ đây.
Khoảng thời gian học trung cấp y đã giúp thầy rất nhiều cho việc đi dạy sau này, nhất là đối với học sinh THCN vì thầy hiểu rất rõ tâm lý của đối tượng này. Thầy bộc bạch: “Nhận thức, khả năng tự học của các em có phần kém hơn sinh viên ở bậc ÐH. Vì vậy, việc chuẩn bị giáo án, tài liệu cho một tiết giảng ở bậc này mất nhiều thời gian và công phu hơn. Hơn nữa, theo chương trình đào tạo, học sinh THCN chỉ được thực tập trên mô hình, không được thực tập trên thực địa như sinh viên ÐH. Do đó, tôi luôn trăn trở, nghĩ cách đổi mới phương pháp giảng dạy làm sao trực quan sinh động hơn”. Thầy Tuyền vẫn thường thức khuya đến 1-2 giờ sáng để lên mạng sưu tầm những hình ảnh minh họa, tìm bài giảng của các nước có nền y học tiên tiến nhằm rút ra những phương pháp truyền đạt kiến thức, tạo điều kiện tiếp thu nhanh nhất cho học sinh. Ðể hình ảnh minh họa được sống động hơn, tranh thủ những giờ rảnh hiếm hoi hàng đêm, thầy thường cặm cụi ngồi tô màu từng chi tiết trên phim. Mỗi tấm phim cũng ngốn của thầy ít nhất là 30 phút.
Bước vào năm học mới này, thầy Lê Quang Tuyền sẽ đảm nhận môn giải phẫu cho 4 lớp trung cấp, hai lớp ÐH, tổng cộng gần 600 học sinh, sinh viên. Lịch làm việc lại kín mít, vì ngoài giờ giảng trên lớp, thầy còn tiếp cận lâm sàng ở Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình để học thêm về vi phẫu. Nói về lần dự thi nghề vừa qua, thầy cho biết: “Tôi mong muốn được đóng góp một phần nhỏ cho bậc học THCN. Bởi xã hội có nhu cầu rất lớn nguồn nhân lực ở trình độ này, song lại chưa được sự quan tâm đầu tư đúng mức”.
Thầy Trần Công Hùng, giáo viên bộ môn cơ điện, khoa cơ khí Trường CÐ Công nghiệp 4, đạt giải nhất hội thi
Liên tục chế tạo thiết bị dạy học
Thầy Trần Công Hùng đến với nghề giáo ở ngôi trường CÐ Công nghiệp 4 được hai năm sau gần 10 năm bôn ba qua nhiều doanh nghiệp trong vị trí phụ trách kỹ thuật. “Thời trai trẻ thích được bay nhảy, nhưng chính qua thời gian này, tôi đã tích lũy cho mình ít nhiều kinh nghiệm thực tế. Quan niệm của tôi là giáo viên nghề thì không chỉ dạy học sinh bằng mớ lý thuyết suông mà phải miệng nói tay làm” – thầy Hùng đã bộc bạch như vậy.
Thầy liên tục chế ra những mô hình dạy học mới cùng nhiều thiết bị phụ trợ cho bài giảng. Mỗi ngày thêm một sáng tạo mới và nó phải thiết thực, áp dụng được vào bài giảng một cách có hiệu quả. Ðồ dùng dạy học tự chế gần đây nhất của thầy là “bảng thị phạm”. Ðây là bảng mà giáo viên có thể thao tác mẫu ngay khi giảng bài. Kết cấu của nó gồm một bảng lùa bằng sắt để hít được những miếng nhựa có từ tính. Những miếng nhựa thể hiện các ký hiệu điện, mạch điện. Một mô hình tự chế (có thể thay thế tùy theo nội dung bài giảng) được gắn liền sau tấm bảng. Với bảng thị phạm, giáo viên có thể linh động thể hiện cho học sinh thấy rõ được nguyên lý hoạt động: sự đóng, mở, sự chuyển động của dòng điện trong một động cơ nào đó. Dường như tính ưa tìm tòi, sáng tạo đã ăn sâu vào máu của thầy. Ý tưởng dùng bảng thị phạm được khai sinh sau một đêm dài trằn trọc suy nghĩ. Và cuộc sống của thầy lại có thêm nhiều đêm mất ngủ như vậy để nghĩ cách tái hiện những cái mới được ghi nhận trong những lúc đi ngoài đường hoặc đến một nơi nào đó. Mô hình cửa kéo tự động ứng dụng cho bài “đảo chiều quay động cơ không đồng bộ ba pha” cũng được ra đời từ đấy.
Hiện nay, thầy Trần Công Hùng vẫn đang tranh thủ thời gian để cải tiến bảng thị phạm cho gọn nhẹ, dễ di chuyển xa hơn.
THU HÀ
Bình luận (0)