xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguồn gây cháy và cách phòng chống trong gia đình

NGUYỄN HẢI

Phòng cháy chữa cháy -Từ đầu năm đến nay tại TPHCM đã có 160 vụ hỏa hoạn, trong đó khu vực dân cư chiếm đến 88 vụ, hơn 50% số vụ bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Theo trung tá Lê Tấn Bửu, Phó Phòng Cảnh sát PCCC TPHCM, phần lớn các vụ hỏa hoạn ở khu vực dân cư đều xuất phát từ nguyên nhân bất cẩn

Trung tá Trịnh Văn Thành, cán bộ xử lý, Phòng Cảnh sát PCCC, cho biết qua phân tích từ thực tế các vụ cháy gần đây cho thấy: Tại khu vực các hộ dân cư xuất hiện rất nhiều tình huống gây cháy bất ngờ.

Từ điện, xăng dầu, khí đốt đến nhang, đèn...

Nổi bật nhất là vấn đề an toàn điện, đi kèm là cách sử dụng điện bất cẩn như sử dụng bếp điện rồi quên tắt bếp dẫn đến cháy; dùng bàn ủi xong, quên tắt gây cháy; ra khỏi nhà không cúp cầu dao điện, khi rò rỉ điện, chập mạch không có người xử lý gây cháy...

Một nguyên nhân gây cháy đang xuất hiện nhiều, đó là việc sử dụng xăng dầu, khí đốt bất cẩn. Đã có không ít trường hợp do bất cẩn nên đã châm thêm dầu vào bếp khi đang đun nấu, khiến dầu bị phựt lửa gây cháy; rót pha xăng trong bóng tối có thắp sáng bằng đèn cầy hoặc sử dụng bếp gas khi gặp sự cố xì gas, xử lý lúng túng dẫn đến cháy nổ.

Cũng đã có một số trường hợp gây cháy mà nguyên nhân chỉ là những bất cẩn rất thông thường như việc thắp nhang thờ cúng, trẻ em chơi đèn cầy... Vụ cháy ngày 12-2-2002 tại một cửa hàng kinh doanh đồ gỗ trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, là một ví dụ. Chỉ vì bất cẩn đốt nhang thờ cúng mà lửa đã thiêu rụi cả cơ sở này. Người dân TP cũng chưa quên vụ cháy trên 200 căn nhà trên đường Trần Bình Trọng, quận 5 cách đây vài năm mà nguyên nhân chỉ đơn thuần do một cụ bà thắp nhang thờ cúng đêm 30 tết, để nhang cháy sát vách gỗ gây cháy mà không phát hiện kịp thời.

Phòng cháy bằng cách nào?

Theo trung tá Hoàng Văn Thắng, Đội trưởng Đội Kiểm tra an toàn, Phòng Cảnh sát PCCC TPHCM, nguy cơ cháy nhiều nhất ở các hộ gia đình là từ nhà bếp, hệ thống dẫn điện. Chủ nhà cần phải kiểm tra thường xuyên dụng cụ bếp, hệ thống dây điện để phát hiện kịp thời. Trong phòng bếp nên để bếp cách xa các vật dụng khác. Khi đun nấu phải có người trông coi, không nên giao cho trẻ em. Đối với hệ thống điện cần phải kiểm tra dây điện, công tắc điện, nếu phát hiện cũ nên thay mới ngay.

Theo các nhà chuyên môn PCCC: Do xử lý không đúng, một số tình huống mới cháy hoặc có thể gây cháy rất dễ dẫn đến cháy nổ nguy hiểm cần đề phòng là: Khi phát hiện xì gas, thay vì phải xử lý nhanh bằng cách mở rộng cửa sổ, cửa chính để hơi gas thoát nhanh ra ngoài, đồng thời tìm cách tiếp cận để khóa van gas, nhiều người lại tìm cách bật quạt máy với hy vọng quạt sẽ đẩy khí gas thoát ra ngoài nhanh hơn mà quên rằng khi bật quạt có thể phát sinh tia lửa điện gây bùng cháy gas rất nguy hiểm. Trường hợp chữa cháy xăng dầu cũng vậy. Thay vì tìm cách cô lập ngọn lửa, dập tắt lửa bằng cát, mền ướt.... lại dùng nước tạt vào lửa mà không biết rằng nước sẽ làm loang dầu gây cháy lan mạnh hơn.

Theo kỹ sư Tống Kim Ty, một cách phòng cháy đang được đánh giá tốt là trang bị các loại thiết bị phòng cháy, báo cháy. Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thiết bị báo cháy như đầu báo khói bằng tia quang điện, đầu báo cháy sử dụng ion hóa, đầu báo lửa, đầu báo nhiệt. Khi có cháy, các thiết bị này sẽ cảm nhận qua sự thay đổi nhiệt, lửa, khói và phát âm thanh báo động. Cũng có thể gắn các thiết bị chống rò rỉ điện, chập điện. Đó là các loại cầu dao tự động ELCB, RCCB mà nguyên tắc hoạt động là, khi có dòng điện bị rò, hoặc quá tải cầu dao sẽ tự động ngắt điện để bảo đảm an toàn thiết bị sử dụng điện cũng như ngăn ngừa chập điện gây cháy.

Mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy

Các nhà chuyên môn PCCC cũng lưu ý, để xử lý nhanh và hiệu quả, sự cố cháy trong gia đình mỗi hộ gia đình nên trang bị thêm bình chữa cháy. Trên thị trường hiện nay có 2 loại bình chữa cháy: bằng khí CO2 và bình bột. Bình khí CO2 thích hợp chữa cháy trong môi trường kín, khí CO2 sẽ làm giảm nhiệt độ cháy cho đến khi lửa tắt hẳn. Có thể dùng để chữa cháy cả khi hệ thống điện bị chập điện. Bình bột là hỗn hợp bột hóa chất bicarbonat sodium, khi xịt sẽ tạo một lớp bột cách ly vật cháy với không khí. Tuy nhiên, cần lưu ý một số trường hợp cháy rất khó xử lý: Đó là cháy gas và cháy nệm mút (nệm ghế, nệm giường...). Khi hệ thống gas bị phát cháy, có thể phải dùng bình khí CO2 xịt vào bình gas để làm giảm nhiệt độ, kết hợp với bình bọt xịt thẳng vào ngọn lửa để dập đám cháy. Trường hợp cháy nệm mút, nệm cao su có thể dùng khí CO2 hoặc dùng hóa chất bột mới hiệu quả. Tuy nhiên trong thực tế một số nhà sản xuất nệm có thể sử dụng các loại hóa chất khác nhau. Một số loại hóa chất, chỉ cần thay đổi môi trường cũng như có sự tác động nào đó cũng có thể gây nhiệt dẫn đến cháy mạnh hơn. Lúc đó bình khí CO2, bình bột cũng không thể khắc phục được mà đôi khi phải dùng đến hóa chất chống cháy chuyên dùng.

Trước khi sử dụng bình chống chữa cháy cần phải xốc bình, tức lộn ngược bình lên xuống cho hóa chất bên trong được trộn đều. Kế đến phải rút chốt bình, chĩa vòi về phía đám cháy và bóp cò.

 

Sức mua các loại thiết bị chữa cháy tăng 2, 3 lần

Khảo sát các khu vực kinh doanh các loại thiết bị PCCC trên đường Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, 3 Tháng 2... cho thấy, kể từ sau thời điểm vụ cháy lớn tại Trung tâm Thương mại Quốc tế đến nay đang có rất nhiều người tìm đến mua thiết bị PCCC. Trong đó đối tượng mua nhiều nhất là hộ gia đình, hầu hết những người này đều có chung tâm trạng là quá sợ hãi sau thảm họa trên và phải tự cứu lấy mình là chính trước khi có sự hỗ trợ.

Nhiều điểm phải tăng cường nhân viên bán hàng vì có quá nhiều khách hàng đến mua hàng. Ai cũng yêu cầu người bán giới thiệu loại bình chữa cháy phù hợp và hướng dẫn cách sử dụng. Phần lớn khách hàng đều mua từ 2 bình trở lên (bình khí CO2 và cả bình bột).

Theo các trung tâm, công ty kinh doanh các thiết bị PCCC các thiết bị chữa cháy như bình khí CO2, bình bột bán rất chạy, sức tiêu thụ tăng gấp 2, 3 lần. Bình khí CO2 bán chạy hơn so với với bình bột, vì bình khí CO2 có trọng lượng nhẹ hơn. Tuy sức tiêu thụ tăng nhưng vẫn đứng giá. Bình khí CO2 loại 3 kg có giá 360.000 đồng/bình, loại bình 5 kg có giá 540.000 đồng/bình, bình bột loại 4 kg giá 200.000 đồng/bình; loại 8 kg giá 250.000 đồng/bình.

Các quầy bán thiết bị báo cháy ở chợ Dân Sinh cũng rất thu hút sự chú ý của các hộ gia đình. Có khá nhiều khách hàng đến tìm hiểu tính năng, cách sử dụng và họ đã chấp nhận mua với giá hàng triệu đồng. Thiết bị báo cháy được nhiều người mua là loại báo cháy bằng tia quang điện, ion hóa với giá từ 200- 250 USD/bộ. Vì 2 loại này có tín hiệu báo cháy trung thực hơn so với loại báo lửa và loại báo bằng nhiệt (thường dễ có tình trạng báo động giả). Chẳng hạn khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, ánh sáng đèn, ánh sáng trời chiếu trực tiếp vào thiết bị cũng làm cho máy báo động. Tại chợ cũng bán được nhiều thiết bị cầu dao ngắt điện tự động khi có sự cố về điện như nguồn điện bị quá tải, hệ thống điện bị rò rỉ. Thiết bị ngắt điện tự động của Nhật có giá 380.000 đồng/bộ, của Đài Loan, Hàn Quốc giá 135.000 đồng/bộ, của Pháp giá từ 470.000 đồng- 520.000 đồng/bộ.   

L. GIANG

 

 

Xử trí ban đầu và đề phòng tai nạn bỏng

Những vụ cháy lớn gây bỏng hàng loạt

- Vụ cháy do ống dẫn xăng rò ở Yên Hưng (Quảng Ninh) có 81 người bị bỏng, vụ thứ hai ở Uông Bí (cũng Quảng Ninh) có 70 người bỏng và 49 người chết tại chỗ.

- Vụ cháy xe tại Chương Mỹ (Hà Tây) có 49 người bị bỏng.

- Vụ cháy xe tại phố Bần (Hải Hưng) làm 21 người bị bỏng.

- Vụ nổ khí mê-tan tại mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh) làm 16 người chết tại chỗ, 3 bỏng nặng chết tại bệnh viện.

- Vụ nổ cháy tháp chứa nước ở Khu Công nghiệp Tân Tạo (huyện Bình Chánh, TPHCM) làm chết cháy 9 công nhân.

- Vụ cháy tòa nhà ITC, TPHCM làm chết 60 người, bị thương 102 người.

Xử trí ban đầu tại nhà

Tất cả các loại bỏng khi gặp phải (trừ bỏng điện), việc đầu tiên là phải ngâm ngay vào nước lạnh (16-20 độ C) để giảm đau và giảm độ sâu của bỏng. Nhưng phải làm ngay trong 30 phút đầu tiên, tốt nhất là 10 phút đầu, mới có kết quả. Nếu để sau 45 phút sẽ mất tác dụng. Sau đó cần băng ép chặt vừa phải vùng bị bỏng (bằng gạc hoặc khăn sạch) để tránh nhiễm khuẩn và hạn chế phù nề vùng bỏng. Cho nạn nhân uống oresol, nước có pha chút muối hay nước chè nóng (để bù nước) rồi đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu.

Đề phòng cháy bỏng

Trẻ em chiếm 50% trong tổng số nạn nhân bỏng (thường là lứa tuổi 1 đến 6) chủ yếu do tò mò, hiếu động, không sợ hoặc do sự bất cẩn của người lớn. Vì vậy phải theo dõi trẻ thật sát trong giai đoạn biết bò hay chập chững biết đi. Để các vật dụng nóng sôi, các chất dễ cháy, đồ điện ở nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ. Không để trẻ tự vặn vòi nước nóng; kiểm tra cẩn thận độ nóng trong bồn tắm khi tắm cho trẻ; nghiêm cấm trẻ đùa nghịch hoặc đến gần hố vôi; cấm trèo cột điện và sờ vào dây điện, phích cắm điện. Đối với người động kinh, người hay bị ngất và người cao tuổi, gia đình phải luôn quan tâm giúp họ khi tiếp xúc với bếp lửa và các tác nhân gây bỏng khác.

Thực hiện nghiêm túc quy tắc an toàn lao động, an toàn dùng điện và phòng cháy ở gia đình, công sở, xí nghiệp, bệnh viện, nơi tụ họp đông người... Trong mùa hanh khô cần đề phòng các vụ cháy nhà.

C.T (Nguồn: Viện Bỏng Quốc gia)

 

 

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo