Ông HOÀNG CƯƠNG - Giám đốc Nhạc viện TPHCM:
Đào tạo ca sĩ theo chuẩn của nghệ thuật
Nhạc viện là nơi đào tạo kỹ năng, kỹ thuật cho ca sĩ. Trường sẽ phát hiện ra chất giọng của sinh viên, định ra chất giọng của từng người để phát huy, luyện giọng, rèn độ vang... Sinh viên sau khi ra trường sử dụng giọng đó vào đâu, như thế nào cho thích hợp là tùy từng người.
Nhạc viện đào tạo ca sĩ theo chuẩn của nghệ thuật, không phân chia theo dòng nhạc nào. Mỗi người có một thiên hướng riêng, biết khai thác thế mạnh riêng cho mình. Sinh viên học Nhạc viện ra phải biết tự điều chỉnh linh hoạt để duy trì hoạt động của mình cho phù hợp.
Bà MỸ AN - giảng viên thanh nhạc, Nhạc viện TPHCM:
Kiến thức sâu rộng sẽ giúp ca sĩ ứng xử đúng
Về chương trình học chuyên môn giữa đào tạo chuyên nghiệp (trong trường) và học tại các lớp do các giảng viên dạy thanh nhạc ở các trường nhạc chuyên nghiệp hướng dẫn riêng (ngoài giờ) không có gì khác, đều dạy chuyên sâu về kỹ thuật thanh nhạc. Dẫu vậy, nếu có được điều kiện vào học ở trường chuyên nghiệp vẫn thuận lợi hơn. Ở đó, ngoài kỹ thuật thanh nhạc đào tạo bài bản, các bạn còn được học các môn học khác rất cần thiết cho việc nâng cao kiến thức về văn hóa, con người, xã hội... giúp mình có được nhận thức, hành động đúng đắn trong ứng xử.
Bà MĂNG THỊ HỘI - giảng viên thanh nhạc, Nhạc viện TPHCM:
Có kỹ thuật, tuổi thọ giọng sẽ bền
Nhiều các ca sĩ được nổi tiếng là nhờ các phương tiện thông tin, truyền khẩu... Trong số các ca sĩ có khả năng thật sự thì phần lớn họ từ trường chuyên nghiệp ra.
Hiện nay một số ca sĩ chỉ học theo từng bài hát (học tác phẩm cụ thể để diễn chứ không học kỹ thuật), thường xem băng - đĩa và “sao y bản chính”. Nên nhớ, nhạc cổ điển - dân ca - nhạc trẻ không tách rời nhau. Nếu học chắc những gì ở trường thì khi ra đời họ dễ xử lý bài, hát có sáng tạo và có cảm xúc hơn.
Được học tốt về kỹ thuật thì tuổi thọ của giọng rất bền, thậm chí ngoài sáu mươi tuổi giọng ca vẫn hay. Một ca sĩ nào đó may mắn có giọng nhưng không có kỹ thuật, họ dùng lực để đẩy giọng ca thì khoảng mười, hai mươi năm giọng sẽ bể và đuối. Điều này đã được thực tế chứng minh.
Ca sĩ MỸ TÂM:
Tôi đã học được nhiều kiến thức ở Nhạc viện
Ca hát hiện trở thành một nghề dễ kiếm tiền nhất và dễ nổi tiếng nhất. Bởi vậy, không lấy gì ngạc nhiên khi đông đảo các bạn trẻ lao vào con đường này mà chưa hề được trang bị kiến thức âm nhạc. Bốn năm học Nhạc viện đối với tôi không chỉ là chuyện học văn hóa, nhạc lý hay luyện thanh mà những kiến thức được học ở đây còn giúp tôi có thể chịu đựng và đương đầu với sự khăc nghiệt của nghề. Cũng nhờ kiến thức cơ bản đó mà tôi mới có được sự tự tin với nghề. Tôi tiếc là sau khi nhận tấm bằng thủ khoa, tôi chưa thể học tiếp lên cao hơn nữa. Nhưng một ngày nào đó, chắc chắn tôi lại sẽ cắp sách đến trường.
Bình luận (0)